Liechtenstein chỉ rộng có 160 km2, nơi dài nhất từ Bắc xuống Nam là 27 km, rộng nhất theo hướng Đông-Tây là 14 km. Về dân số, Liechtenstein có khoảng 38.000 dân song lại là quốc gia có thu nhập đầu người thuộc top của thế giới, với mức lương tháng trung bình khoảng 6.500 USD/người.
Vì một số lý do kỹ thuật, các website chính thức của nước này không đưa ra con số thống kê thu nhập đầu người tính theo năm, tuy nhiên, theo một quan chức xin giấu tên của Liechtenstein, ước tính con số này hơn 100.000 USD/năm.
Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm của châu Âu, Liechtenstein thực sự trở thành thành một cầu nối giữa các nền kinh tế khác nhau của châu Âu lục địa. Liechtenstein chỉ cách Zurich trung tâm tài chính số 2 châu Âu khoảng 1 giờ chạy xe, cách Milan của Italy và Munich của Đức 2 giờ xe.
Quan hệ liên minh chiến lược với Thụy Sĩ
Vì là một nước nhỏ, trong lịch sử của mình, Liechtenstein thường phải liên kết với một quốc gia láng khác, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, chính trị, ngoại giao của nước này. Và con đường này của Liechtenstein không hề dễ dàng, trong đó, điều có thể thấy là xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình, Liechtenstein luôn xác định trọng tâm trong chính sách đối ngoại đó là bảo vệ được trước hết lợi ích kinh tế của mình.
Liechtenstein có sự gắn bó lịch sử đặc biệt với Thụy Sĩ và hiện nay duy trì mối quan hệ chiến lược với Thụy Sĩ là trụ cột chính trong chính sách ngoại giao, cũng như kinh tế của Liechtenstein.
Mối quan hệ đặc biệt này giữa hai nước được bắt đầu chính thức từ năm 1923, với việc hai bên ký kết Hiệp ước Quan thuế. Tới nay, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước thể hiện qua 108 thỏa thuận song phương trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù phụ thuộc vào Thụy Sĩ về nhiều mặt nhưng trong quan hệ song phương, phía Liechtenstein luôn nhấn mạnh tới việc phải tôn trọng chủ quyền quốc gia của nước này.
Quay ngược trở lại lịch sử, trước đó nhiều chục năm, số phận của Liechtenstein gắn chặt với hai quốc gia láng giềng khác là Đức và Áo. Với Đức, Liechtenstein vốn là một thành bang trong Liên bang Đức thời phong kiến. Liechtenstein chỉ được chính thức công nhận chủ quyền khi Liên bang Sông Rhin (một phần con sông hiện nay là biên giới tự nhiên giữa Liechtenstein và Thụy Sĩ) được thành lập năm 1806. Tới năm 1915, tại Hội nghị thành Vienna, Liechtenstein được công nhận là một quốc gia độc lập.
Sự biến động của lịch sử, đặc biệt là do sự tác động của các cuộc chiến tranh tại châu Âu, Liechtenstein sau đó đã chuyển hướng sang liên kết với Áo, cũng thông qua một Hiệp ước thuế quan. Tới năm 1919 khi Thế chiến I kết thúc, mối quan hệ mật thiết về kinh tế và chính trị với Áo chấm dứt sau khi Liechtenstein bị vạ lây trong các đòn trừng phạt về kinh tế liên quan tới Áo.
Bốn năm sau, năm 1923, Liechtenstein chính thức chuyển hướng chính sách đối ngoại sang ưu tiên mối quan hệ với Thụy Sĩ. Mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và cả an ninh đã được hai nước duy trì cho tới tận ngày nay.
Trên trường quốc tế, Liechtenstein đã phải mất hàng thập kỷ trước khi được các nước trong cộng đồng quốc tế công nhận. Tới tận năm 1990, Liechtenstein mới trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc (LHQ).
Là một quốc gia phát triển tại châu Âu, nhưng tới năm 1995, Liechtenstein mới gia nhập vào WTO. Trước đó, năm 1991, Liechtenstein gia nhập Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA), gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Khối này hiện đang có các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Mô hình dân chủ trực tiếp và sự cân bằng quyền lực giữa Hoàng tử và nhân dân
Liechtenstein theo thể chế quân chủ lập hiến, với Hoàng tử là nguyên thủ quốc gia, thực hiện theo hình thức cha truyền con nối. Tuy nhiên, để đảm bảo nền dân chủ, Hiến pháp Liechtenstein có các quy định nhằm duy trì sự cân bằng về quyền lực giữa Hoàng tử và nhân dân (qua đại diện là Nghị viện).
Hiến pháp năm 1921 của Liechtenstein phản ánh bước chuyển của nước này theo hướng xây dựng đất nước đi theo mô hình của Thụy Sĩ với đặc trưng là nền dân chủ trực tiếp và chính sách đối ngoại trung lập.
Giống như Thụy Sĩ, Liechtenstein cũng xây dựng mô hình dân chủ trực tiếp, Hiến pháp chấp nhận 2 hình thức thể hiện quyền lực của người dân là Sáng kiến và trưng cầu dân ý. Nếu tại Thụy Sĩ, cần có tối thiểu 100.000 chữ ký để có thể thông qua được một Sáng kiến để đưa ra trưng cầu dân ý nhằm thay đổi một đạo luật, thì tại Liechtenstein, với quy mô dân số của mình, chỉ cần 1.500 chữ ký.
Quyền lực của Hoàng tử Liechtenstein rất lớn, ông thông qua các đạo luật và có quyền phủ quyết luật mặc dù đã được Nghị viện thông qua. Tuy nhiên, theo Joel Grandchamp, Người phát ngôn truyền thông của chính phủ, trong gần 100 năm qua, nguyên thủ của Liechtenstein mới dùng tới quyền phủ quyết một lần duy nhất khi không đồng ý thông qua Luật Săn bắn.
Người dân cũng có thể bỏ phiếu qua trưng cầu dân ý để hay truất phế quyền lực của Hoàng tử nếu không hài lòng với cách thức điều hành đất nước của vị nguyên thủ. Tuy nhiên, trong lịch sử chưa từng xảy ra tình huống này.
Nghị viện của Liechtenstein chỉ có 25 nghị sĩ, và hiện được chia cho 4 đảng khác nhau. Luật của Liechtenstein cho phép nếu một đảng chiếm được đa số phiếu có thể tự mình thành lập chính phủ, tức cả 5 bộ trưởng cũng có thể thuộc về một đảng.
Liechtenstein có một bộ máy hành chính rất nhỏ gọn, với 5 bộ, Thủ tướng cũng kiêm bộ trưởng một bộ (Thủ tướng hiện nay là Adrian Hasler, và là Bộ trưởng Bộ các vấn đề chính trị và tài chính), 1 Phó Thủ tướng, kiêm bộ trưởng một bộ.
Về đối ngoại, Liechtenstein không muốn và cũng không thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Lý do là nước này quá nhỏ, không đủ nguồn lực để đảm nhiệm những trách nhiệm của một thành viên EU, đặc biệt khi phải đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của EU.
“Nếu để đảm nhiệm được chiếc ghế Chủ tịch EU, Liechtenstein sẽ cần phải huy động toàn bộ người dân nước này để phục vụ cho các hoạt động hậu cần cho những hội nghị thượng đỉnh của EU”, nữ Đại sứ Doris Frick tại Bern (Thụy Sĩ) của Liechtenstein nói. Điều quan trọng nhất với Liechtenstein trong xử lý mối quan hệ với EU chính là đảm bảo sự hội nhập và sợi dây liên kết về kinh tế với thị trường chung châu Âu.
Là một quốc gia nhỏ, Liechtenstein chủ trương là bảo vệ các cơ chế đa phương và chủ nghĩa đa phương vì chính quyền Vaduz cho rằng đây là các cơ chế tốt nhất để bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ.
Liechtenstein có một sự đa dạng đặc biệt về thành phần dân cư. Mặc dù số dân ít, nhưng những người đang sinh sống, làm việc tại Liechtenstein lại chiếm tới 33% dân số và đến từ tới khoảng 100 quốc gia khác nhau. Như vậy, trong tổng số 38.000 người dân nước này chỉ có 67% là người bản địa. Điều mà người Liechtenstein khá tự hào về mức độ mở của nước này đối với thế giới.
(Còn nữa)