Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 411.500 ca tử vong trong tổng số trên 24,8 triệu ca nhiễm, trong đó số bệnh nhi nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng đột biến.
Báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi cho thấy khoảng 2,5 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 12,6% tổng số bệnh nhân tại nước này. Trong tuần kết thúc vào ngày 14/1, Mỹ ghi nhận hơn 211.000 trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19 - con số thống kê theo tuần cao nhất kể từ khi đại dịch này xuất hiện tại đây.
Tiếp đó là Ấn Độ với trên 152.700 ca tử vong trong số trên 10,5 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với trên 211.500 ca tử vong trong số trên 8,5 triệu bệnh nhân.
Ngày 20/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Anh đã được phát hiện tại ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khi biến thể mới của virus từ Nam Phi đã xuất hiện tại 23 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Tại châu Á, cùng ngày, giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Giới chức nước này cũng đã áp đặt phong tỏa quận Đại Hưng sau khi phát hiện 6 ca mắc mới bệnh COVID-19, theo đó khoảng 1,6 triệu người ở quận này không được phép rời khỏi thành phố. Những người cần rời khỏi thành phố phải có giấy phép đặc biệt của chính quyền và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cũng đánh giá nước này đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát ngày càng cao do sự xuất hiện của các ổ dịch tại một số khu vực trước thềm Tết Nguyên đán. Trong ngày 19/1, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 88 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 19/1, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 88.557 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, tình hình dịch tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong mới tăng nhanh. Bộ Y tế Philippines thông báo số ca tử vong tại nước này đã vượt 10.000 người. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 64 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 10.042. Bên cạnh đó, Philippines cũng có thêm 1.862 ca mắc mới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 505.939 trường hợp mắc COVID-19.
Bộ Y tế Malaysia cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 4.008 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 169.379 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 4.003 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong đã tăng thêm 11 ca lên 630 ca. Tổng số bệnh nhân phục hồi là 127.662 người.
Tại Indonesia, giới chức đảo du lịch Bali đã áp dụng một hình thức phạt độc đáo đối với những người nước ngoài không đeo khẩu trang nơi công cộng, theo đó bắt họ thực hiện động tác thể dục chống đẩy. Chính quyền Bali đã ban hành quy định người dân phải đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng để phòng, chống COVID-19, nếu không sẽ phải nộp phạt 100.000 rupiah (7 USD). Tuy nhiên, những người vi phạm lại không có tiền mặt và họ buộc phải thực hiện chống đẩy. Những người không đeo khẩu trang sẽ phải chống đẩy 50 cái, trong khi những người đeo khẩu trang không đúng cách sẽ phải chống đẩy 15 cái. Nhiều người dân địa phương cũng đã phải chịu hình thức phạt độc đáo này. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia với tổng cộng 939.948 ca nhiễm, trong đó 26.857 ca tử vong.
Ở châu Âu, Bồ Đào Nha đã ghi nhận số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Thủ tướng Antonio Costa buộc phải siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch bệnh lây lan. Theo số liệu của Bộ Y tế Bồ Đào Nha, quốc gia 10 triệu dân này có thêm 218 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên con số này vượt quá mốc 200 người, qua đó nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 9.246 người.
Theo dữ liệu do hãng tin AFP của Pháp thu thập, với gần 70.000 trường hợp mắc bệnh được xác nhận trong tuần qua, Bồ Đào Nha đã trở thành quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới xét trên quy mô dân số.
Nhiều quan chức Bồ Đào Nha đã trở thành bệnh nhân của đại dịch. Mới đây nhất, Bộ trưởng Kinh tế Pedro Siza Vieira đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội của Bồ Đào Nha cũng đã bị mắc COVID-19. Nước này đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa vào ngày 15/1 nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về các biện pháp chung nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và cảnh báo nếu không có động thái này, Đức sẽ tiến hành kiểm soát biên giới với các nước láng giềng. Trong khi đó, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa hiện nay tới ít nhất ngày 14/2 tới, đồng thời siết chặt thêm một số biện pháp phòng ngừa nhằm giảm số ca lây nhiễm trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều số ca nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tại Latvia, Thủ tướng Krisjanis Karins cho biết nội các nước này đã gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp, vốn có hiệu lực từ ngày 9/11/2020, đến ngày 7/2 tới nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19. Lệnh tình trạng khẩn cấp tại Latvia bao gồm cả lệnh giới nghiêm ban đêm vào các ngày cuối tuần, cùng với biện pháp hạn chế kinh doanh bán lẻ, tụ tập nơi công cộng, thể thao trong nhà và những dịch vụ nhất định. Tuy nhiên, kỳ nghỉ đông của các học sinh sẽ kết thúc và phương pháp học từ xa sẽ được nối lại từ ngày 25/1 tới.
Tại châu Phi, người phát ngôn Phủ Tổng thống Zimbabwe, ông George Charamba, cho biết Ngoại trưởng nước này, ông Sibusiso Moyo, đã qua đời, một ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoại trưởng Moyo là bộ trưởng thứ 3 trong Chính phủ Zimbabwe tử vong do mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nước này vào tháng 3/2020. Hiện Zimbabwe có tổng số 28.675 ca mắc, trong đó 825 ca tử vong.
Về vấn đề vaccine, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã nộp đơn đăng ký xin lưu hành vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 tại Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm được công bố cho thấy vaccine Pfizer/BioNTech có khả năng chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh và hiện đã lây lan khắp thế giới.
Israel đã đưa phụ nữ mang thai vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì không thấy có nguy cơ rủi ro cho họ và thai nhi. Quyết định này được đưa ra sau khi một số thai phụ phải nhập viện trong tuần này do xuất hiện những biến chứng của bệnh COVID-19.
Vatican bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 miễn phí cho người vô gia cư ở Rome. Trong ngày đầu tiên, 25 người đã được chủng ngừa. Công tác tiêm chủng sẽ tiếp tục diễn ra vào những ngày tới. Tuần trước, Giáo hoàng Francis, 84 tuổi, và cựu Giáo hoàng Benedict, 93 tuổi, đã được tiêm mũi đầu tiên.
Trong khi đó, một quan chức y tế cấp cao Ấn Độ cho biết khoảng 1.000 liều vaccine "Covishield" ngừa COVID-19 đã bị hỏng trong quá trình bảo quản tại trường Đại học và Cao đẳng Silchar Medical ở bang Đông Bắc Assam của nước này. Quan chức này cho biết các cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.