Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 753.845 ca tử vong trong tổng số 46.180.481 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 453.101 ca tử vong trong số 34.144.948 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.764 ca tử vong trong số 21.697.341 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 344 người và CH Bắc Macedonia với 337 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,5 triệu ca tử vong trong trên 45,6 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có trên 71 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 78,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận trên 216.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 3.100 người.
Bộ Y tế Lào ngày 22/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 520 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 518 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca mắc mới này được ghi nhận ở 12 tỉnh, thành, cho thấy dịch bệnh đã lan ra nhiều địa phương. Đặc biệt, Bộ Y tế Lào lo ngại nguy cơ dịch lan rộng khi thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao trong một ngày với 289 ca. Điều này khiến số quận và bản được quy định là vùng đỏ tại thủ đô tăng lên 9 quận với 225 bản. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 34.519 ca, trong đó có 49 ca tử vong.
Campuchia đã cho phép mở cửa trở lại tất cả các trường học trên cả nước bắt đầu từ ngày 1/11 tới với điều kiện các cơ sở này phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch COVID-19. Các lớp học chỉ tập trung từ 15-20 học sinh để đảm bảo giãn cách, học sinh và giáo viên phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong suốt buổi học, và tiếp tục không cho bán đồ ăn trong trường. Ngoài ra, bộ này cũng không cho phép giáo viên chưa tiêm phòng COVID-19 được giảng dạy trực tiếp, song có thể dạy trực tuyến, đồng thời khuyến khích giáo viên đi tiêm phòng sớm nhất có thể.
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cũng đã đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét mở lại các đường bay với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines để đón du khách và nhà đầu tư.
Ngày 22/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này có 148 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 22 ca nhập cảnh và 126 ca lây nhiễm cộng đồng. Ngoài ra, Campuchia cũng có thêm 11 ca tử vong, trong đó có 7 ca chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Cùng ngày, Malaysia bắt đầu triển khai liều tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng với vaccine của hãng Sinovac ít nhất 3 tháng. Theo đó, những cá nhân này sẽ đủ điều kiện được tiêm mũi thứ 3 với vaccine của Pfizer/BioNTech trên cơ sở tự nguyện và miễn phí. Chương trình tiêm mũi tăng cường được triển khai theo từng giai đoạn trên toàn quốc, và mục tiêu của việc tiêm mũi thứ 3 là để đảm bảo tất cả những người đã tiêm vaccine đều có được thời gian bảo vệ tối ưu.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cũng thông báo nước này sẽ cho phép lao động nước ngoài quay trở lại làm việc sau gần 16 tháng gián đoạn do đại dịch COVID-19, cũng như cho phép một số du khách quay trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi. Đây là lần đầu tiên Malaysia mở cửa biên giới với du khách nước ngoài kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong ngày 22/10, chính quyền thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận thêm 26 ca mắc COVID-19 - mức thấp nhất kể từ ngày 17/6 năm ngoái, trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn quốc tiếp tục đà giảm nhờ những tiến bộ trong công tác tiêm phòng. Chính quyền thủ đô Tokyo (cùng tỉnh Osaka) đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các nhà hàng và quán bar từ đầu tuần tới. Đây là lần đầu tiên Tokyo dỡ bỏ các hạn chế này trong 11 tháng qua.
Tính tới ngày 21/10, gần 96,41 triệu người ở Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có gần 86,94 triệu người (khoảng 69% dân số) đã tiêm đủ hai mũi. Nếu loại trừ số trẻ em dưới 12 tuổi không thuộc diện tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này còn cao hơn nhiều. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11 tới và bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung miễn phí cho người dân từ tháng 12/2021.
Tại Iran, các tín đồ Hồi giáo đã được phép tham gia lễ cầu nguyện thứ Sáu tại thủ đô Tehran sau gần 20 tháng buộc phải ngừng hoạt động này do đại dịch COVID-19. Những người tham gia cầu nguyện phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Theo kế hoạch, từ ngày 23/10, các trường học có dưới 300 học sinh sẽ được mở cửa trở lại và nhân viên chính phủ, trừ lực lượng vũ trang, sẽ không được phép đi làm nếu chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Kể từ ngày 6/11, các trường có hơn 300 học sinh sẽ mở cửa trở lại. Thống kê cho thấy COVID-19 đã khiến hơn 5,8 triệu người dân Iran mắc bệnh, trong đó có 124.928 người không qua khỏi. Đến nay, hơn 28,2 triệu người ở quốc gia Trung Đông này đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Trong khi đó, New Zealand đã công bố lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa gắn với mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng tham vọng nhất thế giới là 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết chính phủ không thể yêu cầu những người đã tiêm chủng phải ở nhà mãi. Vì vậy, cần có một cơ chế mới để bảo vệ cuộc sống của người dân.
Bà Ardern thông báo, khi 90% người dân đủ điều kiện (từ 12 tuổi trở lên) được tiêm chủng đầy đủ trên cả nước, New Zealand sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế“đèn giao thông”. Ngay cả khi "đèn đỏ" - mức hạn chế cao nhất nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn có thể mở cửa và những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ vẫn có thể sử dụng các dịch vụ một cách tương đối tự do. Tuy nhiên, những người không có giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt như chỉ được mua hàng mang đi, không được tụ họp quá 10 người, sinh viên đại học phải học từ xa, và không được tới các cơ sở dịch vụ như phòng tập thể dục, tiệm làm tóc hoặc quán bar.
Bà Ardern nhấn mạnh, hệ thống này sẽ giảm thiểu mối đe dọa của đại dịch, hiện đang lây lan chủ yếu ở những người chưa được tiêm phòng, và tạo cơ sở chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động và phát triển.
Tính đến ngày 21/10, 83% dân số đủ điều kiện tại New Zealand đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 66% đã được tiêm 2 mũi. Chính phủ New Zealand bày tỏ tin tưởng các thành phố lớn như Auckland, vốn bị phong tỏa trong vài tháng qua, có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 90% trước Giáng sinh năm nay.
Tại Mỹ, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) đã đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đối với những người đã tiêm vaccine của các hãng dược Moderna và Johnson & Johnson. Theo đó, người dân Mỹ có thể lựa chọn tiêm mũi tăng cường bằng loại vaccine khác loại mũi tiêm ban đầu. Như vậy, CDC Mỹ đã khuyến nghị sử dụng cả 3 loại vaccine đang được tiêm chủng tại Mỹ làm mũi tăng cường, gồm các vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.
Giám đốc CDC khẳng định tất cả các loại vaccine được phê duyệt ở Mỹ "đều có hiệu quả cao giảm nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh biến thể Delta lây lan". Theo khuyến nghị, những người đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson loại một liều có thể tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer hoặc Moderna - hai loại vaccine này đã được giới khoa học chứng minh có hiệu quả phòng ngừa cao hơn.
Ủy ban tư vấn về quy trình phòng ngừa miễn dịch (ACIP) thuộc CDC Mỹ nhất trí khuyến nghị tiêm mũi tăng cường đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson 2 tháng trước đó. Đối với những người đã tiêm mũi thứ hai vaccine của Moderna 6 tháng trước, ACIP khuyến nghị tiêm mũi tăng cường đối với người từ 65 tuổi trở lên, những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh hoặc bệnh trở nặng, hoặc người có nguy cơ cao lây nhiễm do công việc. Liều lượng mũi tăng cường vaccine của Moderna chỉ 50 micrograms, bằng một nửa liều lượng tiêu chuẩn. Tính đến nay tại Mỹ đã có khoảng 170 triệu người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine của Moderna hoặc Pfizer, chiếm 92% tổng số người đã tiêm chủng tại nước này.