Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 629.913 ca tử vong trong tổng số 35.900.045 ca nhiễm. Điều phối viên ứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết tỷ lệ tiêm chủng đang tăng lên ở các bang có tỷ lệ lây nhiễm cao. Theo ông Zient, tại các bang có tỷ lệ ca mắc cao nhất, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày đã tăng hơn 2 lần. Theo đó, 8 bang có tỷ lệ mắc ca bệnh COVID-19 cao nhất hiện nay đã ghi nhận mức tăng trung bình 171% về số người mới tiêm vaccine mỗi ngày trong ba tuần qua.
Quốc gia đứng thứ 2 về số ca mắc là Ấn Độ với 31.732.703 ca bệnh, trong khi đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong với 425.388 ca. Với 19.953.501 ca mắc và 557.359 ca tử vong, Brazil đứng thứ 3 về số ca mắc nhưng đứng thứ 2 thế giới về trường hợp không qua khỏi.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á. Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước. Tổng số ca mắcCOVID - 19 tại Lào tới nay đã lên tới 7.015 ca, trong đó có 7 ca tử vong. Chính phủ Lào đã quyết định tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4 - 18/8. Đây là lần thứ 7 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận 577 ca mắc mới (trong đó có 224 ca nhập cảnh) và 29 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 79.051 ca và 1.471 ca tử vong. Đến nay, 72.145 bệnh nhân đã phục hồi. Tính đến ngày 2/8, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 46,8% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Cũng trong ngày 3/8, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 cho biết trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 18.901 ca mắc mới và thêm 147 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì dịch COVID-19 lên lần lượt 652.185 ca và 5.315 ca. Theo cơ quan này, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 13 khu vực, trong đó có thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, sẽ được gia hạn tới ngày 31/8.
Nước này cũng quyết định áp đặt các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn tại 16 tỉnh khác từ ngày 3/8. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm.
Bộ Y tế Philippines ngày 3/8 thông báo ghi nhận thêm 6.879 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.612.541 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 28.141 người sau khi có thêm 48 bệnh nhân không qua khỏi. Philippines, quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người, đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh - được cho là nguyên nhân dẫn đến "sự gia tăng theo cấp số nhân" các ca mắc COVID-19 trong nước. Philippines đã phát hiện 216 ca nhiễm biến thể Delta, trong đó có 9 ca tử vong.
Số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã tăng thêm 33.900 ca lên 3.496.700 ca. Số ca tử vong hiện là 98.889 ca, tăng 1.598 ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 31.324 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân đã bình phục lên 2.873.669 ca.
Tại Đông Bắc Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 3/8 cho biết vừa phát hiện 2 bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Delta plus có khả năng lây nhiễm cao. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận sự xuất hiện phiên bản biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (Delta plus), vốn là một dòng phụ của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 4 vừa qua. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 6.016 trường hợp mắc 4 biến thể lây nhiễm chính của virus SARS-CoV2, trong đó có 2.983 trường hợp thuộc biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Cùng ngày, KDCA thông báo Hàn Quốc có thêm 1.202 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.152 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 201.203 ca. Hàn Quốc có thêm 5 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng số bệnh nhân không qua khỏi lên 2.104 người. Tỷ lệ tử vong lên đến 1,04%. Số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch là 331 người, tăng thêm 5 bệnh nhân so với ngày 1/8. Cơ quan chức năng Hàn Quốc cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ tư khó có thể được kiểm soát trong một sớm một chiều.
Nhật Bản cùng ngày thông báo có thêm 12.017 ca mắc mới COVID-19, trong đó riêng thủ đô Tokyo - nơi đăng cai Thế vận hội Olympic 2020, có tới 3.709 ca mắc mới. Trong bối cảnh Nhật Bản đứng trước nguy cơ thiếu giường bệnh khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, ngày 2/8, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến nghị các bệnh nhân COVID-19 ở Tokyo và một số khu vực khác tự hồi phục ở nhà nếu họ không bị ốm nặng hoặc không có triệu chứng nghiêm trọng. Chính phủ Nhật Bản cũng dự định bắt đầu tiêm mũi thứ 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ năm 2022. Lo ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước, ngày 3/8, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nhật Bản (JMA) Toshio Nakagawa kêu gọi chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc nhằm kiềm chế sự bùng phát số ca nhiễm COVID-19.
Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết đã ghi nhận 61 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong ngày 2/8, trong đó có 45 ca tập trung tại Giang Tô. Cho tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc là 93.193 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong. Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 xuất hiện tại nhiều thành phố, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang nỗ lực triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng với hàng triệu người, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại mới nhằm kiểm soát đợt bùng phát lần này. Giới chức thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người dân tại đây sau khi thành phố này ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên kể từ hơn một năm trước.
Thành phố Dương Châu, gần Nam Kinh, là địa phương mới nhất tại Trung Quốc yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau khi giới chức y tế phát hiện 10 ca mắc mới trong ngày 2/8 thông qua xét nghiệm trên diện rộng. Chính quyền thành phố Trương Gia Giới, tỉnh miền Trung Hồ Nam, hay thành phố Chu Châu cũng có biện pháp kiểm soát dịch tương tự đối với hơn 2 triệu dân.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình cho đến ngày 31/8 tới. Tuy nhiên, các chuyến bay theo chương trình "Vande Bharat Mission" và các chuyến bay khác theo thỏa thuận song phương của Ấn Độ với từng nước tiếp tục hoạt động và những người đủ điều kiện theo quy định của chính phủ có thể bay đến và đi từ Ấn Độ.
Tại Australia, giới chuyên gia y tế nước này đang chuẩn bị cho một "kịch bản ác mộng" khi các dữ liệu ban đầu ở cả trong và ngoài nước cho thấy biến thể Delta vừa gây ra các tác động nghiêm trọng hơn, vừa khó ngăn chặn hơn. Theo Tiến sĩ Greg Kelly, một chuyên gia chăm sóc tích cực cho trẻ em tại thành phố Sydney, với biến thể Delta, các biện pháp phòng, chống từng đem lại kết quả tích cực đã "không còn tác dụng". Biến thể Delta đang khiến tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao hơn ở Australia. Các dữ liệu cho thấy khoảng 25% trường hợp mắc mới được ghi nhận ở trẻ em và tỷ lệ trẻ em nhập viện do COVID-19 cũng cao hơn.
Tại châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Tunisia, quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, có thể đã qua đỉnh dịch trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, song khuyến cáo chính phủ nước này vẫn cần phải tăng tốc chương trình tiêm chủng. Theo WHO, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, các bệnh viện bị quá tải, tình trạng thiếu oxy và sự lây lan nhanh của biến thể Delta trên khắp đất nước cho thấy nguy cơ xảy ra thảm họa y tế ở Tunisia vẫn còn hiện hữu.
Cũng liên quan tới chiến dịch tiêm chủng, theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các số liệu chính thức, khoảng 50% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, gần 224 triệu người tại 27 quốc gia thành viên EU đã được tiêm chủng, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu các nước lớn trong khu vực với 58,3% dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Italy (54,4%), Pháp (52,9%) và Đức (52,2%). Cũng theo thống kê của AFP, đã có 59,3% dân số EU đã được tiêm 1 mũi vaccine, trong khi con số này tại Mỹ là 57,8%. Các con số này đồng nghĩa châu Âu đã vượt qua Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng. Hiện tại Mỹ mới có khoảng 49,7% dân số được tiêm chủng đủ liều.