Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 179.774.293 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 629.384 ca tử vong trong tổng số 35.770.888 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 424.991 ca tử vong trong số 31.703.933 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 556.886 ca tử vong trong số 19.938.358 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 596 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong hơn 40,9 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 60 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 675.800 ca tử vong trong hơn 44,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 639.800 ca tử vong trong hơn 36,4 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận hơn 170.900 ca tử vong, Trung Đông có hơn 160.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.300 người.
Malaysia thông báo ghi nhận 219 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 9.403 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, nước này cũng có thêm 15.764 ca mắc mới, trong đó chỉ có 6 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh lên 1.146.186 ca. Đến nay, 937.732 bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã phục hồi.
Trong 24 giờ qua, Campuchia đã phát hiện 560 ca mắc COVID-19 và là lần đầu tiên trong hai tuần trở lại đây, số ca nhập cảnh ở dưới mức 200 ca, cụ thể là 169 ca. Theo Bộ Y tế Campuchia, chỉ trong hai ngày cuối tuần qua, nước này đã phát hiện tổng cộng 109 ca nhiễm biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, trong đó riêng tại thủ đô Phnom Penh là 5 ca. Trong số 5 ca nhiễm biến thể Delta được phát hiện tại Phnom Penh có 3 người là lao động Campuchia trở về từ Thái Lan, một người Malaysia nhập cảnh và một công nhân vệ sinh.
Ngày 2/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3-9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ban đầu, Indonesia triển khai PPKM khẩn cấp từ ngày 3-20/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, trước khi đổi tên thành PPKM cấp độ 4 triển khai từ ngày 21-25/7 và kéo dài từ ngày 26/7-2/8.
Cùng ngày, Iran thông báo lần đầu tiên số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua đã vượt ngưỡng 37.000 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Iran có thêm 37.189 ca mắc COVID-19, mức trong ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 3.940.708 ca. Trong 24 giờ qua, Iran cũng ghi nhận thêm 411 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất trong 3 tháng qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 91.407 ca.
Theo giới chức Iran, nguyên nhân khiến số ca tử vong và ca mắc mới COVID-19 ở nước này gia tăng trong thời gian gần đây là do người dân chưa nghiêm túc tuân thủ chặt chẽ quy định phòng chống dịch và sự lây lan nhanh của biến thể Delta. Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi cảnh báo nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục chiều hướng xấu này, số ca tử vong do COVID-19 trong nước thậm chí có thể lên tới 500 ca/ngày.
Trong khi đó, chương trình tiêm chủng quốc gia ở Iran đang được triển khai với tiến độ chậm hơn so với dự tính kể từ khi được thực hiện vào đầu tháng 2. Đến nay, mới có hơn 10,2 triệu người Iran đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và 2,7 triệu người tiêm đủ hai mũi.
Tại Trung Quốc, chính quyền tỉnh Hồ Bắc cho biết trong ngày 2/8 đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại thành phố Vũ Hán. Những người này được xác định là công nhân nhập cư tại Khu Phát triển kinh tế và công nghệ Vũ Hán. Đây là những trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán sau hơn 1 năm thành phố từng là tâm dịch này không ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.
Ít nhất 18 trên tổng số 31 tỉnh và thành phố cấp tỉnh ở Trung Quốc đã báo động về đại dịch COVID-19 khi có hơn 300 ca lây nhiễm trong nước đã được phát hiện trong 10 ngày, đặt ra những thách thức lớn cho nước này khi phải đối phó với đợt dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua. Chính quyền thủ đô Bắc Kinh cho biết người dân, các phương tiện, hãng hàng không và tàu hỏa từ những khu vực có các ca nhiễm COVID-19 đang bị hạn chế vào Bắc Kinh. Những tỉnh, thành của Trung Quốc đã phát hiện các ca nhiễm COVID-19 cũng đã đồng loạt tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Cũng trong ngày 2/8, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra thông báo về quy định tiêm vaccine bắt buộc, theo đó công chức, giáo viên và nhân viên y tế phải tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc phải tự chi trả chi phí thanh toán các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện thường xuyên.
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, biện pháp này là nhằm nâng tỷ lệ tiêm chủng tại Hong Kong thông qua việc tiêm chủng bắt buộc đối với 4 đối tượng gồm công chức, nhân viên y tế, nhân viên nhà dưỡng lão và giáo viên. Tỷ lệ tiêm chủng ở những đối tượng này cũng khá chênh lệnh với 70% ở các công chức và 47% ở giáo viên. Bà cũng nêu rõ những người từ chối tiêm chủng sẽ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần và chi phí cho những xét nghiệm này sẽ do họ thanh toán.
Sau 6 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà, tới nay mới chỉ có 36% trong tổng 7,5 triệu người dân Hong Kong đã tiêm đủ mũi trong khi 48% đã tiêm mũi đầu tiên. Số ca mắc mới COVID-19 tại Hong Kong hiện duy trì ở mức thấp do chính quyền đặc khu hành chính vẫn hạn chế nhập cảnh trong vòng 18 tháng qua đối với những người không phải cư dân tại đây. Bên cạnh đó, những người khi nhập cảnh vào Hong Kong phải thực hiện cách ly trong thời gian dài tại các khách sạn theo chỉ định.
Nhật Bản đã bổ sung 4 tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp ngoài khu vực thủ đô Tokyo và Okinawa, nhằm ứng phó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây. Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, Osaka và 3 tỉnh giáp với thủ đô Tokyo gồm Chiba, Kanagawa, Saitama đã được bổ sung vào danh sách các địa phương áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài đến hết ngày 31/8. Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại thủ đô Tokyo và Okinawa đã được gia hạn đến cuối tháng 8, thay vì kết thúc vào ngày 22/8 như kế hoạch ban đầu.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại hệ thống y tế của Nhật Bản có thể sụp đổ trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020. Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ uống có cồn và hát karaoke tại 6 tỉnh trên hoàn toàn bị đóng cửa, nhưng sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ. Mọi dịch vụ không liên quan đến rượu, bia sẽ được hoạt động, song phải đóng cửa trước 20h hằng ngày.
Theo số liệu báo cáo mới nhất, Nhật Bản đã liên tục ghi nhận hơn 10.000 ca/ngày trong 4 ngày qua. Trong khi đó, tính đến ngày 30/7, mới chỉ có 28,3% trong tổng số 126 triệu dân ở Nhật Bản đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine. Ngoài một số tỉnh trong điểm phải áp đặt tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19, một số tỉnh của Nhật Bản như Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka đều đang thực hiện các biện pháp phòng dịch trọng điểm và dự kiến các biện pháp này sẽ được thực hiện cho đến hết ngày 31/8. Chính quyền các tỉnh này được phép điều chỉnh các biện pháp phòng dịch căn cứ theo tình hình dịch bệnh cụ thể.
Cũng trong ngày 2/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết người lao động thời vụ tại một số nước thuộc khu vực Thái Bình Dương nhất định sẽ được phép nhập cảnh New Zealand mà không phải thực hiện cách ly 2 tuần. Quyết định này được Chính phủ New Zealand đưa ra nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho các ngành đang gặp nhiều thách thức do thiếu lao động, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Quyết định mở rộng bong bóng đi lại này sẽ có hiệu lực với người lao động đến từ Tonga, Samoa và Vanuatu làm việc trong lĩnh vực làm vườn hay trồng nho, những ngành đang thiếu lao động tại New Zealand. Đây cũng là 3 nước gần như kiểm soát được dịch COVID-19.
Trong khi đó, Israel đã bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vaccine thứ 3 - mũi tiêm bổ sung - loại vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho những người trên 60 tuổi, nhóm đối tượng đã tiêm đủ liều 2 mũi cách đây ít nhất 5 tháng. Thủ tướng Naftali Bennett kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại “đi tiêm ngay lập tức”, đồng thời cho biết mục tiêu là tiêm chủng cho tất cả những người từ 60 tuổi trở lên vào cuối tháng 8 tới.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết quân đội nước này cũng đã cử nhân viên và hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng này. Theo Bộ Y tế Israel, ngày 1/8, nước này đã ghi nhận thêm 1.974 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 875.801 ca. Hiện số ca bệnh vẫn đang phải điều trị là 18.374 ca, cao nhất kể từ ngày 20/3. Tính đến nay, gần 5,79 triệu người (62,1% dân số) Israel đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine của hãng Pfizer, trong đó gần 5,38 triệu người đã tiêm đủ liều 2 mũi.