Thế giới tuần qua: Cuộc chiến chống COVID-19 thay đổi; Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Á

Tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến tuyên bố của giới chức Mỹ rằng cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi do biến thể Delta, cùng với tình trạng mưa lũ khiến hàng trăm người thiệt mạng ở châu Á. 

Biến thể Delta thay đổi cuộc chiến chống COVID-19

Ngày 30/7, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi vì biến thể Delta dễ lây lan hơn, đồng thời đề xuất thông điệp rõ ràng về việc bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên y tế cũng như việc người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, một văn bản nội bộ của CDC cho hay biến thể Delta lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ đã trở thành biến thể chiếm ưu thế khắp thế giới, có khả năng lây lan như bệnh thủy đậu và dễ lan hơn nhiều so với cảm lạnh hay cảm cúm. Ngay cả người đã tiêm chủng cũng có thể lây truyền biến thể này. Biến thể cũng có khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó. 

Tài liệu trên cho biết biến thể Delta đòi hỏi một cách tiếp cận mới để giúp người dân hiểu được mối nguy hiểm – trong đó làm rõ rằng những người chưa tiêm phòng có nguy cơ gấp 10 lần bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19 so với người đã tiêm. “Hãy thừa nhận rằng cuộc chiến đã thay đổi. Hãy cải thiện cách thông tin về nguy cơ của mỗi cá nhân trong số những người được tiêm chủng”, văn bản viết. 

Giám đốc CDC Rochelle Walensky khẳng định mặc dù người đã tiêm vaccine có ít nguy cơ bị nhiễm virus, nhưng nếu bị “nhiễm đột phá” bởi biến thể Delta, họ sẽ giống như những người chưa tiêm là có tải lượng virus cao trong cơ thể, đồng thời có thể lây truyền bệnh cho người khác. 

Do đó, cơ quan này khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa bao gồm việc đưa vaccine trở thành bắt buộc đối với nhóm nhân viên chăm sóc sức khỏe để bảo vệ những người dễ bị tổn thương cũng như yêu cầu người đã tiêm vaccine quay trở lại đeo khẩu trang thường xuyên.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo biến thể Delta đang đe dọa những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19. 

Chuyên gia hàng đầu tại WHO, ông Mike Ryan nhấn mạnh vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong nhưng chủng virus gây bệnh đã trở nên nguy hiểm hơn. 

Ngay cả tại các nước giàu có tiên phong trong chiến dịch tiêm chủng, số ca mắc mới đã tăng lên. Trong khi tiêm vaccine giúp tỷ lệ tử vong thấp hơn, một bộ phận dân số lớn vẫn có nguy cơ bị tổn thương, đặc biệt ở những người từ chối tiêm vaccine. 

Tại Anh, nơi biến thể Delta là nguyên nhân gây ra số ca mắc đột biến những tháng gần đây, một cơ quan cố vấn cho chính phủ tuyên bố sức mạnh bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, đồng nghĩa với việc chiến dịch tiêm chủng sẽ kéo dài trong nhiều năm. 

Tại châu Âu, khi nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu mở cửa trở lại cũng như chứng kiến làn sóng người đi du lịch hè tăng nhanh, các chính phủ đang phản ứng bằng cách siết chặt nhập cảnh. Tờ Guardian đưa tin một số quốc gia đã nâng cao kiểm soát biên giới. Malta cấm du khách chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh và Đức ban hành những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn đối với người đến từ Tây Ban Nha và Hà Lan. 

Italy sẽ yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tiêm vaccine thông qua giấy chứng nhận tình trạng tiêm vaccine, hay còn gọi là “giấy thông hành xanh”, có hiệu lực rộng khắp châu Âu để tham gia các hoạt động từ thăm bảo tàng, đến phòng tập cho đến vào rạp chiếu phim. Những quy định tương tự tại Pháp đã khiến hàng chục ngàn người tổ chức tuần hành phản đối suốt 2 tuần qua.

Tại Hy Lạp, quán rượu và nhà hàng hiện chỉ cho phép khách hàng đã tiêm vaccine vào. Bồ Đào Nha cũng đã công bố chính sách hạn chế trên từ đầu tháng 7. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho hay biến thể Delta thậm chí còn là mối đe dọa lớn hơn so với các biến thể khác. Ông khẳng định yêu cầu sử dụng “giấy thông hành xanh” là điều kiện cần thiết để không phải đóng cửa nền kinh tế một lần nữa.

Trong khi đó, tại châu Á - nơi tỷ lệ tiêm chủng còn ở mức thấp, nhiều quốc gia từng tránh được hậu quả kinh hoàng của các nước phương Tây hồi năm 2020 thì nay cũng bị virus tấn công nghiêm trọng. Một số quốc gia đã ban bố những biện pháp giới hạn mới vào hôm 30/7. Và kể từ ngày 2/8, binh sĩ quân đội sẽ trợ giúp cảnh sát tại thành phố lớn nhất Australia là Sydney để kiểm soát những người đang bị cách ly. 

Chú thích ảnh
Biến thể Delta đã thay đổi cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVnN

Chính phủ Philippines vừa thông báo kế hoạch đưa khu vực thủ đô Manila với hơn 13 triệu người sinh sống vào tình trạng phong tỏa trong hai tuần. 

Ở Nhật Bản, nơi tin tức về số ca tăng đột biến đã phủ bóng đen lên Olympic Tokyo 2020, chính phủ đã đề xuất áp dụng tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 8 tại ba tỉnh gần Tokyo và tỉnh phía Tây Osaka. “Tình trạng lây nhiễm đang ngày càng lan rộng. Tình hình vô cùng nghiêm trọng”, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura thông báo, đồng thời cảnh báo tình trạng này vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.

Còn tại tâm dịch đầu tiên của thế giới là Trung Quốc, quốc gia này đã đồng loạt nâng mức báo động trước biến thể Delta. Hơn một tuần trở lại đây, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ sân bay Lộc Khẩu thuộc thành phố Nam Kinh đã lan sang 15 thành phố khác. Gần như toàn bộ các ca bệnh ở đây đều được xác nhận nhiễm biến thể Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh. 

Chỉ trong 11 ngày tính đến hết ngày 30/7, Nam Kinh đã ghi nhận ít nhất 210 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và 5 ca nhiễm không triệu chứng. Ổ dịch này đã lây lan sang 6 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, ít nhất 15 thành phố ghi nhận các ca bệnh và ít nhất 26 thành phố có người liên quan các ca nhiễm ở Nam Kinh. Đến nay, ít nhất 240 ca bệnh đã được ghi nhận trên toàn Trung Quốc có liên quan ổ dịch Nam Kinh. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc, giới chức các địa phương này cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như truy vết và phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở châu Á

Từ khoảng ngày 25/7 đến nay, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ quét, sạt lở nghiêm trọng ở Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc và Myanmar. 

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị chôn vùi sau trận lũ lụt và lở đất tại trại tị nạn Balukhali, Bangladesh, ngày 27/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mưa lũ xảy ra đúng vào thời điểm người dân Afghanistan đang hứng chịu nhiều cuộc tấn công của Taliban, song song với làn sóng dịch COVID-19 mới khiến hệ thống y tế bị sức ép đè nặng. Ít nhất 40 người thiệt mạng và 150 người mất tích sau trận lũ quét nghiêm trọng tàn phá khu vực Đông Bắc thủ đô Kabul. Theo các quan chức địa phương, chiến dịch cứu hộ đang được triển khai nhằm tìm kiếm những người mất tích sau khi mưa xối xả làm ngập nhiều điểm tại huyện Kamdesh ở tỉnh Nuristan, cách thủ đô Kabul khoảng 200 km.

Ngày 30/7, nhà chức trách Bangladesh cho biết lũ lụt và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 20 người, đồng thời cô lập trên 300.000 cư dân tại nhiều ngôi làng ở miền Đông Nam nước này. Mưa xối xả đã trút xuống và tàn phá khu vực dọc biên giới Bangladesh với Myanmar - nơi có gần một triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar đang tạm trú trong các lán trại. Người đứng chính quyền huyện Cox's Bazar, ông Mamunur Rashid, cho biết lũ lụt đã khiến khoảng 306.000 cư dân ở huyện này lâm vào cảnh cô lập. Khoảng 70 ngôi làng bị nhấn chìm trong nước lũ. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất, trong đó có 6 người tị nạn Rohingya.

Nhiều ngày qua, mưa bão nghiêm trọng đã càn quét bờ biển phía Tây của Ấn Độ. Khoảng 250.000 người dân tại 3 bang là Maharashtra, Goa và Karnataka đã phải sơ tán khẩn cấp. Nhiều khu vực mất điện, giao thông và thông tin liên lạc bị chia cắt. Thông tin ban đầu từ giới chức địa phương cho biết đã có các trận mưa lớn gây lở đất, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 159 người và hiện vẫn còn hàng chục người mất tích. 

Chú thích ảnh
Người dân vùng lũ tại bang Kayin, Myanmar, nhận đồ cứu trợ. Ảnh: Myanmar Red Cross Society

Bốn bang ở Myanmar là Shan, Rakhine, Kayin và Mon mới đây cũng chịu thiệt hại nặng sau khi mưa lớn làm mực nước sông dâng cao. Trong vòng 48 giờ kể từ ngày 25/7, lượng nước mưa đo được tại bang Mon là 553mm. Theo Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA), có khoảng 48.500 người dân Myanmar đã bị ảnh hưởng hoặc phải sơ tán vì lũ lụt.

Hay như ở Trung Quốc, tính đến ngày 27/7, trận mưa lũ “nghìn năm có một” tại tỉnh Hà Nam kéo dài từ ngày 17/7 đã cướp đi sinh mạng của 71 người, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 13 triệu người, làm hư hại gần 9.000 ngôi nhà, phá huỷ mùa màng và nhiều diện tích cây trồng, gây thiệt hại về kinh tế tại tỉnh Hà Nam ước tính lên tới 13,9 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD).  Thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất khi lượng mưa tồi tệ nhất trút xuống Trịnh Châu vào hôm 20/7. Thành phố 12 triệu dân này đã phải hứng chịu lượng mưa hơn 200mm chỉ trong một giờ, lượng mưa cao nhất từng được ghi nhận ở đây. Nhiều tuyến đường tàu điện ngầm bị ngập, khiến hơn 500 hành khách bị mắc kẹt trong giờ cao điểm. 

Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ các trận mưa lớn hằng năm – yếu tố quan trọng giúp bổ sung lượng nước ngầm và lượng nước tại các con sông, nhưng mặt khác lại gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Lý do châu Âu bất ngờ vượt Mỹ trong tiêm vaccine COVID-19 dù khởi đầu chậm
Lý do châu Âu bất ngờ vượt Mỹ trong tiêm vaccine COVID-19 dù khởi đầu chậm

Mới chỉ vài tháng trước đây, chiến dịch tiêm chủng tại Liên minh châu Âu (EU) rối như tơ vò, nhưng đó chỉ là khó khăn tạm thời và chủ yếu liên quan nguồn cung vaccine. EU nhanh chóng vượt Mỹ về tiêm vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN