Lý do châu Âu bất ngờ vượt Mỹ trong tiêm vaccine COVID-19 dù khởi đầu chậm

Mới chỉ vài tháng trước đây, chiến dịch tiêm chủng tại Liên minh châu Âu (EU) rối như tơ vò, nhưng đó chỉ là khó khăn tạm thời và chủ yếu liên quan nguồn cung vaccine. EU nhanh chóng vượt Mỹ về tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine gần thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: NYT

Đầu tháng 4, lo sợ và giận giữ là tâm lý bao trùm trong EU, trái ngược với sự tự tin ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Đó là thời điểm EU tụt hậu khá xa so với Mỹ về tỉ lệ tiêm chủng, còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng chỉ trích châu Âu về tiến độ tiêm chủng “chậm chạp khó có thể chấp nhận được”. Nhưng đó cũng là lúc mà nỗ lực tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ đạt đỉnh.

Trong tuần này, EU đã vượt trước Mỹ về tỉ lệ tiêm ngừa tính trên cơ cấu dân số. Trong tháng 7, số mũi tiêm trên toàn khu vực cao gấp 4 lần so với Mỹ, một sự đảo chiều mà khó ai có thể ngờ tới vào mùa xuân vừa qua. Toàn khối đang hướng đến mốc 105 mũi tiêm/100 dân vào cuối tuần này, với ít nhất 70% số người trưởng thành được tiêm ngừa một mũi. Tỉ lệ này tại Mỹ là 103 mũi/100 dân và 69% người trưởng thành. “Quá trình bám đuổi đã rất thành công”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu  Ursula von der Leyen phát biểu với niềm hứng khởi.

Bước đảo chiều này xuất phát từ những khác biệt lớn giữa Mỹ và châu Âu, từ đó đẩy tiến trình tiêm ngừa theo hai hướng khác biệt. Tại châu Âu, vẫn tồn tại một bộ phận người dân và giới chức chính phủ không tin vào vaccine. Nhưng quan điểm bài vaccine tại Mỹ là rộng hơn, bám rễ sâu hơn, đặc biệt là trong nhóm cư dân theo đường lối bảo thủ, phản ánh rõ nét phân cực đảng phái trong vấn đề vaccine. Nỗ lực tiêm chủng tại EU có chậm lại, nhưng chưa bằng Mỹ, nơi tốc độ tiêm ngừa giảm đến 80% so với mức đỉnh.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Xét về thể chế, quy trình tạo lập chính sách ở châu Âu mang tính tập trung và nhất thể hóa quyền lực mạnh hơn tại Mỹ - nơi các biện pháp chính sách của liên bang, bang và các địa phương luôn có sự khác biệt, không đồng nhất giữa từng khu vực. Trong EU, các chính phủ trung ương có quyền kiểm soát lớn hơn đối với hệ thống y tế, nhiều nước sẵn sàng sử dụng biện pháp mang tính bắt buộc, các chiến thuật gây sức ép để đẩy người dân đi chích ngừa vaccine.

Tại Pháp, công dân giờ đây buộc phải trình “thẻ chứng nhận y tế” trong đó có có bằng chứng đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 thì mới được phép tham gia hoạt động ở những địa điểm trong nhà, như lui tới nhà hàng, quán bar. Những sinh viên chưa tiêm ngừa sẽ buộc phải ở nhà nếu phát hiện có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong khi người đã tiêm được phép tới lớp học. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố mục đích chính của những biện pháp này là nhằm tạo ra hạn chế với người chưa tiêm vaccine.

Tuần trước, Italy tuyên bố triển khai nhóm biện pháp “khuyến khích” tiêm vaccine tương tự như ở Pháp. Tại Đức, người dân cũng phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính mới được lui tới nhà hàng, quán bar. Các nước Hy Lạp, Italy, Pháp hiện yêu cầu nhân viên y tế phải chích ngừa vaccine, nếu không trong một số trường hợp sẽ không được trả lương.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng cho người dân tại một bệnh viện ở Milan, Italy. Ảnh: NYT

Tại Mỹ, nỗ lực đẩy người dân đến các điểm tiêm chủng bất ngờ tăng tốc trong tuần này. Tổng thống Joe Biden ngày 29/7 ra công bố quyết định yêu cầu tất cả nhân viên liên bang phải tiêm vaccine hoặc thường xuyên trình xét nghiệm COVID-19, thực thi giãn cách xã hội và các quy định về đeo khẩu trang, hạn chế trong di chuyển. Ông cũng kêu gọi các bang và chính quyền địa phương thưởng tiền 100 USD cho người đi tiêm chủng.

Nhưng đa phần các bang và chính quyền địa phương tại Mỹ đều không đưa ra quy định bắt buộc tiêm ngừa đối với nhân viên. Một số thậm chí còn cấm chủ sử dụng lao động đòi nhân viên phải tiêm vaccine. Chính quyền bang, khu vực ở Mỹ cũng không sử dụng chiến thuật “gây sức ép” như ở châu Âu để nâng cao mức độ chú tâm của người dân với tiêm chủng. Một số nhóm hoạt động thuộc đảng Cộng hòa thậm chí còn nêu quan điểm kiểu như “Đây là nước Mỹ. Không ai được phép ép buộc người dân tiêm chủng”.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế quốc gia, khu vực ở nhiều nước châu Âu cũng giúp cho việc triển khai tiêm chủng dễ dàng hơn. Y tế không chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người dân, mà chính quyền qua đây cũng tạo lập được vai trò lớn hơn ở lĩnh vực này. Đơn cử như ở Tây Ban Nha, mỗi người dân sẽ được đăng ký một bác sĩ gia đình để trợ giúp. Lực lượng này sẽ nhận thức rõ đâu là nhóm cần ưu tiên trong giai đoạn đầu, cũng như liệt kê ra nhóm chưa cần tiêm vaccine.

Nói vậy không có nghĩa là EU đã hết thách thức. Quy định tiêm vaccine mang tính ép buộc gặp phải một số làn sóng phản đối. Tại Pháp, hơn 160.000 người đã tuần hành phản đối quy định mới của chính phủ, buộc chính quyền của Tổng thống Macron phải thoái lui trong một số đề xuất về ban hành luật nhằm thực thi quy định.

Cấp độ mất cân bằng vùng miền trong tiêm chủng ở EU cũng rộng hơn Mỹ. Tại khu vực Tây Âu, nhiều nước đạt tỉ lệ chích ngừa ít nhất một mũi trên 80% đối với người trưởng thành. Nhưng ở Đông Âu, tỉ lệ này tại Bulgaria và Rumania lần lượt là 19% và 32% và tốc độ tiêm chủng tại ở hai nước này giảm xuống, bất chấp nguồn vaccine dồi dào. Đây cũng là các quốc gia nghèo nhất trong EU, nơi hệ thống y tế không được đầu tư đúng mức, còn người dân suy giảm lòng tin.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)
Mỹ yêu cầu toàn bộ viên chức liên bang phải khai báo tình trạng tiêm chủng
Mỹ yêu cầu toàn bộ viên chức liên bang phải khai báo tình trạng tiêm chủng

Ngày 29/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường hành động nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khi yêu cầu toàn bộ các viên chức liên bang phải khai báo về tình trạng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của mình, đeo khẩu trang và tiến hành xét nghiệm thường xuyên trong trường hợp chưa tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN