Kyodo dẫn nguồn truyền thông Hàn Quốc đưa tin, ngày 7/8 vừa qua, chi nhánh của Tòa án Daegu tại Pohang đã nhận được kháng cáo của hãng Nippon Steel, và ngày 13/8 tòa án này đã quyết định không chấp nhận kháng cáo với lý do "không có căn cứ". Tuy nhiên, đây không phải là quyết định cuối cùng, vì theo luật, kháng cáo của Nippon Steel sẽ được một tòa án cấp cao hơn xem xét trong khuôn khổ hệ thống tư pháp 3 tầng được quy định đối với việc giải quyết những tiến trình pháp lý như vậy. Theo đó, vụ việc sẽ được đưa lên tòa án Daegu xử lý.
Theo nhận định của giới truyền thông Hàn Quốc, tiến trình kháng cáo đối với những vụ việc tương tự kháng cáo của hãng Nippon Steel thường phải mất vài tháng mới đi đến kết luận cuối cùng.
Quyết định của tòa án Daegu tịch thu một số tài sản của hãng Nippon Steel có hiệu lực ngày 4/8 vừa qua, xuất phát từ một phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc cuối năm 2018, theo đó yêu cầu hãng này (trước đây là Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp) bồi thường 100 triệu won (khoảng 8,8 triệu yen) mỗi người cho 4 công nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động cho công ty này trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chính phủ Nhật Bản khẳng định mọi yêu cầu bồi thường liên quan vấn đề cưỡng bức lao động đã được giải quyết dứt khoát và đầy đủ vào năm 1965 theo một thỏa thuận mà hai nước đã ký khi bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ thực thi các phán quyết của Tòa án Tối cao nước này.
Trong thời gian qua, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tìm cách dàn xếp vấn đề này, nhưng cho đến nay Tokyo vẫn chưa nhất trí với các phương án mà Seoul đưa ra. Giới phân tích nhận định nếu vấn đề này không được giải quyết ổn thỏa, căng thẳng giữa hai nước láng giềng này có thể bị đẩy lên một nấc thang mới.