Phán quyết này mở đường cho việc buộc tập đoàn sản xuất ô tô của Đức phải bồi thường cho những khách hàng bị ảnh hưởng.
Trong phát quyết, CJEU cho biết phần mềm được cài trên các phương tiện chạy bằng dầu diesel làm giảm hiệu quả của hệ thống kiểm soát khí thải ở nhiệt độ bình thường trong hầu hết thời gian của năm được coi là một “thiết bị triệt tiêu” bị cấm.
Theo đó, phần mềm này làm giảm hoặc thậm chí khiến bộ lọc hoàn toàn ngừng hoạt động khi nhiệt độ dưới 15 độ C và cao hơn 33 độ C. Trong khi đó, các giới hạn lượng khí phát thải được áp đặt ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU) phải được tuân thủ ngay cả khi nhiệt độ đó thấp hơn đáng kể mức 15 độ C.
Tòa án tối cao của Áo và hai tòa án khu vực đã đưa vụ việc lên CJEU sau những khiếu nại của người mua, những người đã mua xe Volkswagen từ năm 2011 đến năm 2013. Phản ứng trước phán quyết của CJEU, nhà sản xuất ô tô Đức khẳng định điều đó có nghĩa là cửa sổ tản nhiệt được sử dụng trên xe của hãng này "vẫn được phép sử dụng". Volkswagen cho biết điều này giúp ngăn chặn những nguy cơ tức thời đối với động cơ.
Trong khi đó, luật sư người Đức Claus Goldenstein, người đại diện cho hơn 45.000 nguyên đơn, cho biết: “Với quyết định hôm nay, Volkswagen một lần nữa vướng vào vụ bê bối khí thải”.
Trong vụ bê bối gian lận khí thải “Dieselgate” hồi năm 2015, Volkswagen đã thừa nhận đã lắp đặt các phần mềm gian lận để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cho 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel trên toàn thế giới. Theo các nhà quản lý, phần mềm đó được sử dụng để phát hiện thời điểm nào xe bị kiểm tra lượng khí thải.
Theo đó, xe sẽ bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra, nhưng lại tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường. Do vậy, xe sẽ thải ra liều lượng khí thải quá hạn mức cho phép theo quy định.
Vụ gian lận khí thải của Volkswagen được ví là một "cơn địa chấn" lớn, làm chấn động ngành công nghiệp xe hơi của Đức và khiến tập đoàn này phải trả giá đắt cả về tiền lẫn danh tiếng.