Bé gái 11 tuổi ở Indonesia tử vong vì COVID-19
Giới chức Indonesia ngày 1/4 xác nhận một bé gái 11 tuổi đã trở thành bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở quốc gia Đông Nam Á này tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh số ca tử vong trong đại dịch COVID-19 ở Indonesia đã tăng gần gấp 3 lần so với một tuần trước.
Bé gái trên cũng bị sốt xuất huyết, đã được đưa đến bệnh viện trên đảo Madura ngoài khơi Java từ ngày 19/3. Bệnh nhân có các triệu chứng sốt và khó thở, tử vong vào ngày hôm sau. Các kết quả xét nghiệm vừa được xác nhận trong tuần này cho thấy bé gái cũng mắc COVID-19.
Ông Joni Wahyuhadi - quan chức lực lượng đặc nhiệm chống virus SARS-CoV-2 của tỉnh Đông Java - nói: “Hệ miễn dịch của cháu bé quá yếu. Cô bé cùng lúc phải chống chọi với 2 căn bệnh, đó là nguyên nhân khiến tình trạng sức khỏe của em xấu đi”.
Ngày 1/4, ông Widyastuti, Chánh văn phòng Chính quyền thủ đô Jakarta cho biết đã phát hiện 299 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm nhanh cho 18.077 trường hợp tại cộng đồng (với tỷ lệ 1,7%). Các trường hợp được xét nghiệm nhanh là những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 như nhân viên y tế, người có tiền sử tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân COVID-19, những người sốt trên 38 độ C, người có triệu chứng rối loạn hệ hô hấp, đau họng, ho và những người từ nước ngoài trở về.
Cũng theo ông Widyastuti, những trường hợp mắc COVID-19 sẽ trải qua một cuộc xét nghiệm lần nữa và cách ly trong khi chờ kết quả. Nếu tình trạng bệnh nặng trước khi có kết quả, bệnh nhân sẽ được chuyển đến bệnh viện. Trong khi đó, những người có kết quả âm tính vẫn sẽ được yêu cầu cách ly trong 14 ngày và trong thời gian cách ly có triệu chứng sẽ được chuyển đến bệnh viện để kiểm tra lại.
Malaysia ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19
Ngày 1/4, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 2.908 ca. Như vậy, Malaysia là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế Malaysia cho biết đã ghi nhận 45 ca tử vong vì COVID-19.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob thông báo bắt đầu từ ngày 1/4, các địa điểm kinh doanh bán các đồ thiết yếu hàng ngày, bao gồm các siêu thị cũng như các trạm bán xăng dầu, chỉ được phép hoạt động từ 8h đến 20h. Tương tự, các đại lý thực phẩm, nhà hàng cũng như các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến thực phẩm cũng chỉ được phép hoạt động trong khung giờ nói trên, trong khi các phương tiện giao thông sẽ bị hạn chế.
Ông Yaakob cho biết việc chính phủ phải đưa ra các biện pháp như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến đời sống sinh hoạt của người dân, song đây là điều cần phải làm vì lợi ích, sự an toàn của toàn bộ người dân nói chung và điều này bắt nguồn chính từ sự thiếu ý thức của một số người.
Thái Lan: Thủ đô Bangkok đóng cửa các cửa hàng từ nửa đêm đến 5h sáng
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã yêu cầu tất cả các cửa hàng và quầy hàng đóng cửa ít nhất 5 giờ đồng hồ kể từ nửa đêm. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Đây là biện pháp mới nhất của chính quyền BMA nhằm hạn chế người dân ra đường để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Các quan chức thành phố sẽ phối hợp với Sở Cảnh sát Bangkok để tuần tra vào ban đêm nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định. Ngoài ra, tất cả công viên công cộng và tư nhân, kể cả công viên của các chung cư và trong các cộng đồng, cũng sẽ bị đóng cửa từ ngày 2-30/4 để tránh tụ tập đông người.
Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất ở Thái Lan, với 850 bệnh nhân tính đến ngày 1/4. Thái Lan ngày 1/4 ghi nhận thêm 120 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm lên 1.771 người và 12 người tử vong.
Cho tới nay, 60/77 tỉnh, thành phố của Thái Lan đã xác nhận có bệnh nhân COVID-19. Tất cả các tỉnh của Thái Lan đã áp dụng các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, thậm chí đến tận cấp làng xã. Theo thống kê, đã có 25/77 tỉnh, thành phố trên khắp Thái Lan đang trong tình trạng phong tỏa từng phần. Ngoài các trạm kiểm soát trên đường để giám sát những người đi lại liên tỉnh, các trạm kiểm soát cộng đồng cũng đã được lập để sàng lọc những người ra vào các làng xã.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc việc cấm bán đồ uống có cồn để ngăn chặn việc tụ tập đông người và làm giảm tốc độ lây lan của dịch COVID-19.
Campuchia thông qua dự luật tình trạng khẩn cấp do COVID-19
Trong một thông cáo được công bố ngày 1/4, Chính phủ Campuchia đã thông qua dự luật về tình trạng khẩn cấp. Theo thông cáo, dự luật trên được thông qua hôm 31/3 trong một phiên họp nội các thường kỳ do Thủ tướng Hun Sen chủ trì.
Tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố khi người dân đối mặt với nguy hiểm như chiến tranh hay một cuộc xâm lược từ nước ngoài, các mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng do dịch bệnh gây ra, bạo loạn nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia và trật tự công cộng và thiên tai. Dự luật trao quyền cho chính phủ triển khai mọi biện pháp cần thiết để điều hành đất nước trong tình trạng khẩn cấp với mục tiêu bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, tính mạng và sức khỏe người dân, tài sản và môi trường.
Dự luật trên được soạn thảo dựa trên Điều khoản 22 của Hiến pháp, quy định khi đất nước đối diện với nguy hiểm, Quốc vương sẽ công bố trước toàn dân về quyết định đưa đất nước vào tình trạng khẩn cấp sau khi thảo luận với Thủ tướng và các chủ tịch Thượng viện và Hạ viện.
Trước đó hôm 30/3, Thủ tướng Hun Sen cho biết dự luật trên sẽ quy định một số biện pháp, trong đó bao gồm áp đặt các lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập đông người, phong tỏa các địa điểm công cộng và tư nhân cùng nhiều biện pháp khác. Ông nhấn mạnh rằng trong thời gian tình trạng khẩn cấp có hiệu lực, quân đội sẽ được sử dụng để thực thi luật pháp. Dự luật này cần được Quốc hội thông qua, sau đó chuyển qua Thượng viện xem xét trước khi được đệ trình lên Quốc vương để công bố.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 109 ca nhiễm SARS-CoV-2.