Theo Ngoại trưởng Marsudi, quyết định trên không tính tới người nước ngoài có giấy phép lưu trú và một số chuyến thăm ngoại giao.
Dự kiến, Chính phủ Indonesia sẽ công bố những quy định cụ thể về lệnh cấm này trong ngày 31/3.
Ngoại trưởng Marsudi cũng cho biết Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường kiểm tra các công dân nước này khi họ trở về nước.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại của người dân nhằm kiềm chế dịch bệnh. Sau khi chính phủ thực hiện những biện pháp khuyến khích người dân hạn chế ra ngoài, hoạt động đi lại của người dân trong thời gian 1 tuần tính đến ngày 28/3 đã giảm 46% so với thời gian trước đó. Số lượng sử dụng xe ô tô cá nhân giảm 41%, trong khi số hành khách đi lại bằng tàu điện giảm 59%. Ngoài ra, lượng hành khách sử dụng tàu hỏa liên thành phố giảm 65% và hành khách đi lại bằng đường thủy giảm 40%.
Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesin Visanuyothin cho rằng Thái Lan sẽ phải tiếp tục đề nghị người dân hợp tác hơn để đạt được mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại trong bối cảnh các ca nhiễm mới ở Thái Lan đang tiếp tục tăng, trong đó số bệnh nhân ở các tỉnh khác đang tăng nhanh hơn so với ở Bangkok.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cùng ngày đã đề nghị các đài truyền hình hủy phát các trận đấu quyền anh Thái trong cả tháng 4 vì ông cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan giữa những người cùng xem truyền hình khi mà người dân có thể tụ tập tại nhà cổ vũ và ăn uống.
Trong khi đó, 4 cửa khẩu ở miền Nam Thái Lan đã được mở lại để cho phép lao động nhập cư Thái Lan bị mắc kẹt ở Malaysia về nước, nhưng nhà chức trách khuyến cáo những người không trình được giấy tờ cần thiết sẽ không được đi qua.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.651 bệnh nhân và tổng số trường hợp tử vong lên 10 người.
Trước thực trạng số lượng các ca nhiễm mới tiếp tục tăng, Chính phủ Thái Lan đã trấn an đội ngũ y tế cùng các quan chức nhà nước và tình nguyện viên rằng họ sẽ được cung cấp đủ khẩu trang. Phó Thủ tướng Wissanu cho biết tổng cộng có 2,3 triệu khẩu trang được sản xuất mỗi ngày, trong đó 1,3 triệu chiếc sẽ được phân bổ cho Bộ Y tế để cung cấp cho nhân viên y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc và 1 triệu chiếc còn lại sẽ được Bộ Nội vụ phân bổ cho các tỉnh. Tuy nhiên, người tiêu dùng bình thường được đề nghị kiên nhẫn và chờ đợi thêm vài ngày nữa cho đến khi chính phủ có thể chuyển hàng tới các cửa hàng ở địa phương.
Thái Lan cũng đã kéo dài lệnh cấm xuất khẩu trứng thêm 1 tháng, bắt đầu từ 1/4, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu dùng nội địa.
Bộ Y tế Campuchia ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bệnh ở thành phố Siem Reap, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 109 người. Các ca nhiễm mới là 2 mẹ con người Campuchia, mẹ 39 tuổi và con trai 12 tuổi. Trước đó, chồng của ca bệnh mới này cũng đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tham gia một sự kiện tôn giáo ở Malaysia hồi cuối tháng 2. Đến nay, tại Campuchia có 23 ca đã khỏi bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền Hong Kong cho biết các bệnh viện công tại đây đang thiếu phòng cách ly áp lực âm nên 41 bệnh nhân được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được nhập viện. Giới chức y tế Hong Kong cho biết hiện tỷ lệ sử dụng giường bệnh cách ly tại các bệnh viện công là 62%, tỷ lệ sử dụng phòng bệnh cách ly cũng lên đến 77%. Đến nay, tổng số các ca nhiễm bệnh ở Hong Kong là 682 người, bao gồm 4 ca tử vong.