Tình hình dịch COVID-19 ngày 17/2

Tính đến tối 17/2 (theo giờ Việt Nam) đã có 71.440 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) trên toàn thế giới, trong đó có 1.775 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho em bé 14 tháng tuổi nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 6/2/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngoài ra, cũng đã có 10.988 ca phục hồi. Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Trước đó, theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 17/2, đến hết ngày 16/2, tại Trung Quốc đại lục, tổng cộng đã có 1.770 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Riêng ngày 16/2 có 105 ca tử vong mới, trong đó 100 ca tại tỉnh Hồ Bắc, 3 tại tỉnh Hà Nam và 2 tại tỉnh Quảng Đông. Như vậy tại tâm dịch Hồ Bắc, tính đến hiện tại đã có tổng cộng 1.696 ca tử vong.

Giới chức y tế Trung Quốc cũng cho biết tính đến hết ngày 16/2, tổng cộng đã có 10.844 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) hồi phục và xuất viện. Trong đó riêng ngày 16/2 có 1.425 bệnh nhân xuất viện sau khi các kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Trong ngày 17/2, đợt chi viện thứ 2 gồm 1.200 y, bác sĩ quân y đã đến thành phố tâm dịch Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Lực lượng nhân viên y tế được tăng cường này được giao nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV ở một cơ sở của Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của tỉnh Hồ Bắc ở Vũ Hán và sẽ bắt đầu làm việc ngay sau khi cơ sở này được hoàn thiện.

Trước đó, hôm 13/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép điều động tăng cường 2.600 y, bác sĩ quân y chi viện cho thành phố Vũ Hán. Các y, bác sĩ tăng cường được rút từ các đơn vị lục quân, hải quân, không quân, tên lửa, lực lượng chi viện chiến lược, lực lượng hỗ trợ hậu cần chung và cảnh sát vũ trang. Đợt chi viện đầu tiên vào ngày 13/2 đã có 1.400 y, bác sĩ đến Vũ Hán để bổ sung cho Bệnh viện Đồng Tế Thái Khang.

Tính đến nay, quân đội Trung Quốc đã điều động 3 đợt với hơn 4.000 y, bác sĩ chi viện cho Vũ Hán để đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Cùng ngày, Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng một bệnh viện dã chiến ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, để điều trị các bệnh nhân nhiễm nCoV. Bệnh viện mới thuộc trung tâm y tế cộng đồng thành phố Tây An được xây dựng trên diện tích hơn 27.000 m2, cung cấp 500 giường bệnh. Hiện 666 nhân viên y tế đã được điều tới bệnh viện này.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 (nCoV) lây lan, thành phố Hiếu Cảm - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở tỉnh Hồ Bắc, đã siết chặt lệnh cấm người dân ra khỏi nhà. Đây là một trong những biện pháp nghiêm ngặt được cơ quan kiểm soát dịch bệnh thành phố Hiếu Cảm công bố trong thông báo ngày 16/2.

Kể từ ngày 17/2, người dân các vùng ven đô ở Hiếu Cảm cũng bị cấm đi ra đường, đến thăm nhà nhau hoặc tụ tập đông người. Trong khi đó, những người có nhiệm vụ hoặc nhu cầu đặc biệt như nhân viên y tế, những người có liên quan đến công tác phòng chống dịch, phụ nữ mang thai và người đi dự đám tang, chỉ được đi ra ngoài trong một khung giờ nhất định và trên một số tuyến đường nhất định. Tất cả các phương tiện giao thông cũng bị cấm lưu thông, trừ xe cứu thương, xe cứu hỏa và những loại xe phục vụ cho mục đích đặc biệt. Ngoài ra, tất cả các địa điểm công cộng không thiết yếu đều phải đóng cửa. Các hiệu thuốc, siêu thị, khách sạn và chợ được chỉ định chỉ được mở cửa vào một khung giờ cố định. Những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt, hoặc thậm chí là giam giữ và bị đưa vào "danh sách đen".

Cũng trong ngày 17/2, một nhóm chuyên gia chung của Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu thị sát thực địa công tác phòng chống và kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mi Feng cho biết nhóm chuyên gia trên sẽ tới Bắc Kinh, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Tứ Xuyên để thực hiện công tác thanh tra.   

Trong lúc này. giới chức y tế Trung Quốc tiếp tục kêu gọi những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tham gia hiến máu vì huyết tương trong máu của họ có thể dùng để chữa trị các bệnh nhân đang trong tình trạng nguy hiểm.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng máu của bệnh nhân khỏi bệnh có những kháng thể với virus Corona. Khi tiêm các kháng thể đó vào cơ thể người bệnh khác, nó có thể giúp bệnh nhân chống lại tác hại của loại virus nguy hiểm này. Hồi tuần trước, 11 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán đã được tiêm huyết tương của những người khỏi bệnh. Một trong số các bệnh nhân trên đã khỏi bệnh và xuất viện. Một người khác đã có thể đi lại, trong khi các bệnh nhân còn lại đều có dấu hiệu phục hồi.

Ông Guo Yanhong, chuyên gia của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, thông báo giới chức y tế Trung Quốc cũng đã nỗ lực cắt ngắn thời gian chẩn đoán, từ đó mở ra cơ hội điều trị sớm và kịp thời cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Theo ông, việc có thể cắt ngắn thời gian chẩn đoán để điều trị sớm và kịp thời là cách làm hiệu quả để cải thiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 hồi phục. 

Các chuyên gia thuộc Đại học Nam Khai tại Thiên Tân, Trung Quốc, vừa thông báo đã đạt được bước tiến trong việc phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh chủng mới của virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Sản phẩm mới có tên gọi là bộ dụng cụ phát hiện kháng thể IgM/IgG, do các chuyên gia Đại học Nam Khai cùng với chuyên gia từ các trường đại học khác và các công ty thuốc sinh học cùng nghiên cứu phát triển. Thẻ xét nghiệm nhanh trong bộ dụng cụ có thể phát hiện được virus chỉ trong 15 phút. Bộ dụng cụ mới này có thể rút ngắn thời gian xét nghiệm, hoạt động nhanh và dễ dàng, giúp chẩn đoán nhanh các trường hợp nghi nhiễm và sàng lọc tại chỗ những người có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân.

Đại học Nam Khai khẳng định bộ dụng cụ xét nghiệm này sẽ sớm được sử dụng trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Một số nhóm nghiên cứu trên khắp Trung Quốc hiện cũng đã và đang phát triển các sản phẩm xét nghiệm nhanh nCoV.

Cũng trong ngày 17/2, căn cứ vào kết quả thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia Trung Quốc đã xác nhận Chloroquine Phosphate - một loại thuốc chống sốt rét, có hiệu quả chữa trị rõ ràng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bà Sun Yanrong - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết các chuyên gia y tế đã nhất trí đưa thuốc Chloroquine Phosphate vào phác đồ điều trị COVID-19 và sẽ nhanh chóng đưa thuốc vào thử nghiệm lâm sàng rộng rãi trong thời gian sớm nhất.

Theo bà Sun Yanrong, Chloroquine Phosphate đã được lựa chọn trong hàng chục nghìn loại thuốc hiện có và sàng lọc hàng chục lần trước khi được thử nghiệm. Đây là loại thuốc điều trị bệnh sốt rét được sử dụng trong hơn 70 năm qua.

Bà Sun Yanrong cho biết thêm loại thuốc này hiện đang được sử dụng tại 10 bệnh viện ở Bắc Kinh, cũng như các tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam của Trung Quốc, và các ca điều trị bằng thuốc này đều hiệu quả.

Cụ thể, bà cho biết trong quá trình thử nghiệm với sự tham gia của 100 bệnh nhân, nhóm các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này đều có sự tiến triển rõ ràng như hạ sốt, hình ảnh chụp phổi cải thiện... Nhóm bệnh nhân này cũng có thời gian phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, không có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng rõ ràng nào khi sử dụng thuốc này cho các bệnh nhân.

Thông tin trên mở ra triển vọng sẽ có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 sớm được chữa trị và ra viện trong thời gian tới.

Liên quan đến các bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess, ngày 17/2, truyền thông Nhật Bản dẫn số liệu từ Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 99 người trên du thuyền Diamond Princess, đang được cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama, có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

Theo hãng tin Kyodo, tổng số các ca nhiễm COVID-19 trên du thuyền này đã lên tới 454 người. Nhiều quốc gia có công dân được cách ly trên du thuyền này đã hoặc đang lên kế hoạch đưa công dân về nước trên các chuyến bay thuê trọn gói sau khi nhận thấy số người được xác nhận nhiễm bệnh ngày càng tăng. Mỹ là quốc gia đầu tiên đón công dân trên Diamond Princess về nước trong khi Australia, Canada, Israel và Hong Kong (Trung Quốc) đều đang chuẩn bị cử máy bay tới Nhật Bản để đón người dân của mình trên du thuyền Diamond Princess trở về. Ngay trong ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trong số hơn 300 công dân nước này và các thành viên gia đình vừa trở về từ du thuyền Diamond Princess sau gần hai tuần được cách ly ở Nhật Bản có 14 người có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

Số phận của gần 1.000 hành khách và thủy thủ trên du thuyền Westerdam đang neo đậu tại cảng Sihanoukville ở Campuchia cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Holland America, công ty vận hành du thuyền Westerdam, cho biết đang hợp tác với giới chức Campuchia, Malaysia, Mỹ và các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để theo dõi lịch trình di chuyển và tình trạng sức khỏe của hàng trăm hành khách mới được phép lên bờ sau khi thuyền cập cảng ở Campuchia hôm 13/2.

Thông báo được đưa ra hôm 16/2, một ngày sau khi giới chức y tế Malaysia xác nhận một nữ du khách 83 tuổi người Mỹ, từ du thuyền Westerdam lên bờ và bay tới Malaysia để chuẩn bị về nước, được phát hiện nhiễm chủng mới của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người chồng 85 tuổi của cụ bà này cũng đang tham gia cách ly theo dõi. Khoảng 137 hành khách từ du thuyền Westerdam, đi cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân từ Campuchia sang Malaysia, đã rời quốc gia này trên các chuyến bay thương mại tới nhiều địa điểm khác.

Bác sĩ phụ trách y tế của Holland America Grant Tarling cho biết công ty đang làm việc với giới chức y tế các quốc gia, trong đó có Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) để điều tra và theo dõi các cá nhân có thể đã tiếp xúc với nữ bệnh nhân này. Trước đó, công ty này khẳng định các hành khách trên du thuyền không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Hiện còn khoảng 233 hành khách và 747 thành viên thủy thủ đoàn vẫn đang ở trên tàu Westerdam, neo đậu tại cảng Sihanoukville. Giới chức đã cho phép nhiều nhóm hành khách lên bờ tùy theo các thông tin đặt vé máy bay.

  Lan Phương (TTXVN)
Số ca tử vong tại Trung Quốc do dịch COVID-19 giảm trong ngày 16/2
Số ca tử vong tại Trung Quốc do dịch COVID-19 giảm trong ngày 16/2

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc ngày 17/2 thông báo đã có thêm 100 ca tử vong tại tỉnh này do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) trong ngày 16/2, nâng tổng số người thiệt mạng do dịch bệnh nguy hiểm này tại Trung Quốc đại lục lên con số 1.765 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN