Theo thống kế của trang mạng worldometers, tổng số ca mắc COVID toàn cầu tính tới 22h ngày 8/6 (giờ Việt Nam) là 7.127.052 ca, trong đó có 406.847 ca tử vong kể từ khi dịch khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019 trước khi lan ra toàn cầu, khiến hàng tỷ người trên thế giới phải hạn chế ra ngoài và làm tê liệt nền kinh tế. Ngay cả khi những quốc gia từng "bước qua đỉnh dịch" đang dần trở lại với nhịp sống "bình thường mới", các quán bar, nhà hàng đã hoạt động trở lại, các biện pháp hạn chế đi lại từ London (Anh) tới Brussels (Bỉ) hay Moskva (Nga) đã được dỡ bỏ thì tại một số nơi khác, tình hình được dự đoán sẽ còn rất lâu nữa các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại như bình thường.
Hầu hết các chính phủ trên thế giới đều đang từng bước thận trọng nới lỏng các biện pháp hạn chế để vừa có thể tái khởi động nền kinh tế vừa có thể tránh đợt bùng phát dịch bệnh mới. Trong ngày 8/6, Anh triển khai chương trình cách ly bắt buộc trong 14 ngày với tất cả du khách, bao gồm cả các công dân Anh, tới quốc gia này. Biện pháp này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ ngành hàng không vốn đang "nóng lòng" chờ đón nhu cầu đi lại phục hồi. Các hãng hàng không như British Airways, EasyJet và Ryanair cho rằng biện pháp này có thể ảnh hưởng tới ngành du lịch và khiến thêm nhiều người mất việc làm.
Tại Bỉ, các quán rượu và nhà hàng đã mở cửa nhưng với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội trong khi Ireland đã cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, mọi ngươi có thể tụ tập và đi lại nhưng trong những giới hạn nhất định. Ngày 8/6, Moskva tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới và các biện pháp phong tỏa tại thủ đô Moskva từ ngày 9/6.
Cùng ngày, New Zeland như chắp thêm niềm tin cho các quốc gia khác trên thế giới khi tuyên bố chiến thắng dịch bệnh và dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế, nhưng vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ sau khi bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của New Zealand xuất viện. Cùng ngày, giải Bóng bầu dục trong nước của New Zealand cũng tuyên bố sẽ khởi tranh trở lại trong tuần này, cho phép người hâm mộ tới sân cổ vũ sau nhiều tháng bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, ở bên kia Đại Tây Dương, các quốc gia Mỹ Latinh lại đang chuẩn bị tinh thần để bước vào giai đoạn đỉnh dịch. Những điểm nóng dịch bệnh như Brazil, Mexico và Peru đang "gồng mình" chống dịch. Hiện Brazil ghi nhận tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ 3 thế giới, với hơn 37.000 ca. Trong khi số ca tử vong tại Chile cũng tăng lên mức 2.290 ca sau khi có sự điều chỉnh tăng số liệu vì nhầm lẫn trong thống kê dịch từ tháng 3 và tháng 4.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh dịch bệnh tại khu vực là Cuba. Quốc gia này tuyên bố đã kiểm soát được đại dịc, theo đó nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong hơn 1 tuần qua. Kết quả này có được là do Cuba đã triển khai quyết liệt và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa, giãn cách. Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ, cùng các nhà khoa học Cuba đã có những nghiên cứu kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong. Số ca bệnh nặng và nguy kịch tại Cuba đang giảm liên tục, song giới chức vẫn cảnh báo nguy cơ các ca lây nhiễm nhập cảnh trong các chuyến bay đặc biệt chở công dân Cuba về nước. Diễn biến dịch bệnh trong tuần tới sẽ mang tính quyết định đối với thời điểm công bố mở cửa lại từng bước các hoạt động kinh tế - xã hội tại “hòn đảo tự do”.
Trong khi đó, ở châu Á, số ca tử vong và mắc bệnh tại Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, sau 10 tuần phong tỏa với những tác động kinh tế to lớn, Chính phủ Ấn Độ vẫn thực hiện kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa, nhiều trung tâm thương mại, đền thờ ở một số thành phố của Ấn Độ đã mở cửa trở lại từ ngày 8/6. Các chính quyền địa phương của Ấn Độ đã trưng dụng các cơ sở của hơn 600 tổ chức giáo dục để làm trung tâm cách ly. Quá trình trên đã bắt đầu được thực hiện ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 25/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đi đôi với việc từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế, Ấn Độ đã tăng cường xét nghiệm và cũng phát hiện thêm nhiều ca dương tính hơn. Bởi vậy, nhu cầu thiết lập thêm các cơ sở cách ly cũng gia tăng, nhất là khi hạn chế về đi lại trong bang và giữa các bang được dỡ bỏ. Tính đến 21h tối 8/6, Ấn Độ ghi nhận 258.090 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.210 ca tử vong.
Tại Pakistan, tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 100.000 ca., trong đó có 2.067 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong vòng 10 ngày gần đây phần nào phản ánh việc tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nước này. Trong tổng số 23.000 xét nghiệm được thực hiện 10 ngày qua, trên 20% xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Tỷ lệ này tăng cao gấp đôi so với chỉ 10% số ca dương tính ghi nhận trước thời điểm quốc gia Nam Á dỡ bỏ lệnh phong tỏa hôm 9/5 vừa qua.
Hàn Quốc vẫn cảnh giác cao độ đề phòng nguy cơ bùng phát các ổ dịch mới. Trong ngày 8/6, tất cả các câu lạc bộ bóng bàn ở thủ đô Seoul đã được yêu cầu tạm thời đóng cửa để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 sau khi một loạt ca nhiễm mới bùng phát tại một câu lạc bộ bóng bàn ở phía Tây thủ đô Seoul. Chính quyền đã yêu cầu tất cả 350 câu lạc bộ bóng bàn trong thành phố phải đóng cửa trong thời gian này hoặc hoạt động với điều kiện phải tuân thủ triệt để các quy định phòng ngừa dịch bệnh. Lệnh hành chính mới nhất đối với các câu lạc bộ bóng bàn được đưa ra sau khi các hạn chế tương tự được áp dụng cho các cơ sở thể thao trong nhà khác liên quan đến các hoạt động thể chất cường độ cao, như tập gym, nhảy Zumba... Chính quyền Seoul cũng đã yêu cầu người dân không tụ tập tham gia các chương trình khuyến mãi và các sự kiện quảng cáo bán hàng do các công ty tiếp thị đa cấp thực hiện đồng thời bỏ ngỏ khả năng ban hành thêm các biện pháp cứng rắn hơn.
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Singapore đang thúc đẩy kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, trong đó vẫn yêu cầu nhiều người tiếp tục làm việc ở nhà và chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình. Hồi tuần trước, Singapore đã mở cửa trở lại trường học và một số hoạt động kinh doanh sau gần hai tháng áp đặt lệnh phong tỏa.
Singapore là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất ở châu Á, với hơn 38.000 ca nhiễm do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các khu nhà ở cho người lao động nhập cư.
Cùng ngày, giới chức Philippines cho biết hàng chục triệu học sinh ở nước này sẽ chưa được đến trường cho đến khi có vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm vẫn rất lớn tại nước này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Philippines có 22.474 ca mắc COVID-19 và 1.011 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 579 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Một số nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia vẫn tiếp tục có số ca nhiễm mới gia tăng trong 24 giờ qua.
Cụ thể, ngày 8/6, Malaysia công bố ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 8.329 ca trong khi số ca tử vong vẫn là 117 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt hạn chế đối với hoạt động đi lại và kinh doanh hồi tháng Ba.
Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 847 ca nhiễm mới và 32 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 32.033 trong đó có 1.883 ca tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này đến nay đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 274.400 người. Khoảng 10.904 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện.