Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với 1.990.046 ca nhiễm và 112.113 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 676.494 ca nhiễm và 36.044 ca tử vong và Nga với 467.673 ca nhiễm và 5.859 ca tử vong, Tây Ban Nha với 288.390 ca nhiễm và 27.135 ca tử vong, Anh có 284.868 ca nhiễm và 40.465 ca tử vong. Cho tới thời điểm này, có tới 13 quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm từ trên 150.000 ca trở lên.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Chile đã ghi nhận thêm 93 ca tử vong, con số kỷ lục trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên 1.541 người. Số ca mắc COVID-19 mới tại nước này cũng tăng thêm 5.246 người. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Chile lên tới 127.745 người.
Peru cũng ghi nhận thêm 4.358 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 191.758 trong đó có 5.301 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, Peru tiếp tục là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ mở cửa trở lại những địa điểm tôn giáo vào ngày 15/6 để cho "các tín đồ cá nhân" đến cầu nguyện trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, các dịch vụ hay các nhóm cầu nguyện tập thể sẽ vẫn bị cấm trong thời gian này do lo ngại virus SARS-CoV- 2 có thể lây lan nhanh trong các không gian khép kín.
Chính phủ Anh đang thúc đẩy một cách thận trọng việc mở cửa lại một phần các trường học, nối lại các hoạt động kinh doanh cơ bản vốn bị đóng cửa khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa vào ngày 23/3. Chính phủ Anh cũng có ý định mở cửa trở lại tất cả các cửa hàng trên toàn quốc vào ngày 15/6. Nhà hàng và quán rượu sẽ được phép hoạt động với số khách ở mức hạn chế trong vòng 1 tuần.
Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo có thêm 3.045 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 101.914 ca, trong đó có 712 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày tại Saudi Arabia tăng vượt 3.000 ca.
Trong khi đó, tại Algeria, chính phủ nước này đã cho phép nối lại một số hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ quan trọng. Đây là một phần trong kế hoạch dỡ bỏ cách ly để khôi phục lại nền kinh tế bị đình trệ kể từ khi nước này thiết lập lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVD-19 từ giữa tháng 3 đến nay.
Theo đó, kế hoạch này sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ ưu tiên nối lại các hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, du lịch, thương mại… Tuy nhiên các hoạt động này sẽ được điều chỉnh với các quy định phòng dịch nghiêm ngặt do chính phủ ban hành trên từng lĩnh vực và ngành nghề. Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ ngày 14/6. Tuy nhiên, việc có dỡ bỏ cách ly và nối lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của diễn biến dịch bệnh và sự chấp hành các quy định về ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Cho đến nay, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 10.050 ca mắc COVID-19 và 698 ca tử vong. Bên cạnh đó, tổng số bệnh nhân được chữa khỏi là 6.631 người. Hiện Algeria đang xếp vị trí thứ 4 trong số các quốc gia châu Phi có số ca nhiễm nhiều nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi (45.973 ca nhiễm và 952 ca tử vong), Ai Cập (32.612 ca nhiễm và 1.198 ca tử vong) và Nigeria (12.233 ca nhiễm và 342 ca tử vong).
Tại khu vực Đông Nam Á, chính quyền tỉnh Tây Java của Indonesia đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) tại Bogor, Depok và Bekasi, 3 thành phố lớn thuộc khu vực Đại Jakarta, tới ngày 2/7. Tuy nhiên, PSBB sẽ được điều chỉnh theo từng huyện và làng dựa trên mức độ khẩn cấp của từng địa phương, cũng như kế hoạch của thủ đô Jakarta bắt đầu nới lỏng PSBB trong một số lĩnh vực vào tháng 6 này.
Tính đến ngày 7/6, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 31.186 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.851 ca tử vong. Hiện vẫn còn 4 tỉnh cùng 10 thành phố và huyện tại quốc gia này duy trì PSBB, trong đó tỉnh Tây Java có thời hạn áp dụng kéo dài nhất.
Còn tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế về đi lại và các hoạt động xã hội khác căn cứ trên các khuyến nghị từ ngành y tế.
Theo Thủ tướng Muhyiddin Yassin, Lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) có điều kiện hiện nay sẽ kết thúc vào ngày 9/6 và sẽ được thay thế bằng MCO giai đoạn hồi phục, bắt đầu từ ngày 10/6 và kéo dài đến hết ngày 31/8. Theo đó, các hạn chế trong một loạt lĩnh vực sẽ được nới lỏng, đưa xã hội Malaysia trở lại trạng thái gần như trước khi có MCO. Đáng chú ý nhất là việc người dân Malaysia được phép đi lại giữa các bang, chỉ trừ những khu vực đang bị xếp vào nhóm nguy cơ lây nhiễm cao.
Bên cạnh đó, ngành du lịch nội địa Malaysia và một loạt những hoạt động và dịch vụ khác, bao gồm cắt tóc, làm đẹp, chợ đêm, tham quan bảo tàng, biểu diễn nơi công cộng, câu cá giải trí, đóng phim…cũng được phép hoạt động trở lại. Đối với các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc các môn thể thao không có sự tiếp xúc về cơ thể, cơ quan chức năng cũng sẽ cho phép nối lại, miễn là phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trong khi đó, quán bar, câu lạc bộ đêm, trung tâm giải trí, phục hồi sức khỏe, karaoke, công viên chủ đề, các buổi tụ tập với mục đích tôn giáo, liên hoan, các lễ hội đông người vẫn chưa được phép hoạt động trở lại trong thời gian tới. Hoạt động đi lại và du lịch quốc tế cũng nằm trong danh sách chưa được phép khôi phục hoạt động do các cửa khẩu biên giới của Malaysia vẫn tiếp tục đóng trong thời gian áp dụng MCO giai đoạn hồi phục.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 19 ca nhiễm, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Malaysia có tổng cộng 8.322 ca mắc COVID-19, trong đó 117 ca tử vong. Đến nay, 6.674 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.
Tính đến ngày 7/6, tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Singapore lần lượt là 37.910 và 25; tại Phillippines là 21.895 ca nhiễm và 1.003 ca tử vong và Thái Lan là 3.112 ca nhiễm và 58 ca tử vong...