Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 211.988 ca tử vong trong tổng số 7.457.857 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 98.822 ca tử vong trên 6.323.247 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 143.962 ca tử vong trong số 4.813.586 ca.
Tại tâm dịch châu Á, Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo tiếp tục tạm đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 31/10 tới. Tuy nhiên, biện pháp hạn chế này không áp dụng đối với các chuyến bay chở hàng hóa quốc tế cũng như các chuyến bay đặc biệt được DGCA cấp phép. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Ấn Độ vẫn quyết định nới lỏng thêm một số biện pháp hạn chế để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền liên bang đã cho phép các bang mở lại trường học và rạp chiếu phim. Bang phát triển nhất Ấn Độ Maharashtra tuyên bố cũng sẽ cho phép các quán bar, quán ăn và nhà hàng hoạt động bình thường trở lại.
Ngày 1/10, Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 260 ca mắc COVID-19. Đây là mức cao nhất trong 1 ngày tại nước này kể từ ngày 4/6. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 11.484 ca mắc COVID-19, trong đó có 136 ca tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong cũng tiếp tục tăng cao tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines và Indonesia.
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo ghi nhận thêm 77 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 23.889 ca. Như vậy, số ca mắc mới theo ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 100 ca sau khi ghi nhận 113 ca một ngày trước đó. Cũng trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 2 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 415 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tăng thêm 75 người lên 21.666 người.
Tại châu Đại Dương, bang Victoria - bang đông dân thứ hai của Australia và cũng là tâm dịch tại nước này - đã ghi nhận ca tử vong thứ 800 do COVID-19 dù số ca mắc mới duy trì ổn định. Hiện bang Victoria chiếm 90% trong tổng số 886 ca tử vong do COVID-19 trên toàn Australia. Giới chức y tế bang cũng công bố thêm 15 ca mắc mới, theo đó số ca mắc mới trung bình trong 2 tuần giảm xuống mức dưới 16 ca. Số ca mắc trong ngày giảm sau khi chính quyền thủ phủ Melbourne của bang Victoria áp dụng lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các biện pháp này dự kiến sẽ duy trì hiệu lực cho đến khi số ca mắc mới trung bình trong 2 tuần tại bang giảm xuống dưới 5 ca. Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trên cả nước Australia có dấu hiệu giảm, bang Queensland thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các quán rượu, địa điểm ăn uống và câu lạc bộ có thể tăng gấp đôi số lượng khách được phục vụ ngoài trời, trong khi số lượng người tham dự các sự kiện ngoài trời có thể lên tới 1.000 người.
Tại Trung Đông, Iran tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 1/10, với 3.825 ca. Bên cạnh đó, nước này cũng có thêm 211 người không qua khỏi đại dịch, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Iran lên 26.380 người trong tổng số 461.044 ca nhiễm.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục trong ngày 1/10 với 1.158 ca, cao hơn 58 ca so với số ca kỷ lục ghi nhận trong ngày trước đó. Như vậy nước này hiện đã có tổng cộng 95.348 ca mắc COVID-19, trong đó có 421 ca tử vong. Giới chức UAE cho rằng nguyên nhân số ca mắc tăng mạnh do nhiều người không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Tương tự, giới chức Jordan cảnh báo chính phủ nước này có thể áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trên cả nước sau khi ghi nhận 1.767 ca mắc mới COVID-19 trong ngày. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ khi đại dịch bùng phát. Người phát ngôn chính phủ Amjad Adailah cho biết trong trường hợp diễn biến dịch nguy hiểm khiến nhà chức trách khó kiểm soát, Chính phủ Jordan có thể phải phong tỏa hoàn toàn trên cả nước. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng khung hình phạt lên 1 năm tù giam đối với những đối tượng vi phạm lệnh cấm tổ chức đám cưới, lễ tang, tiệc và các sự kiện khác có hơn 20 người tham gia. Ngoài ra, các trường học cũng tạm đóng cửa trong 2 tuần. Hiện Jordan đã ghi nhận tổng cộng 11.816 ca mắc COVID-19 với 61 ca tử vong. Từng là một trong số các quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 thấp nhất tại Trung Đông trong những tháng đầu tiên dịch bệnh bùng phát, song Jordan chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc mới trong tháng 9.
Tại châu Âu, Nga cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục trong ngày 1/10, với 8.945 ca - cao nhất kể từ ngày 12/6 vừa qua. Như vậy, tổng cộng đã có 1.185.231 người tại Nga mắc COVID-19 (cao thứ 4 thế giới), trong đó có 20.891 ca tử vong. Thị trưởng Moskva - ông Sergei Sobyanin đã ra lệnh cho các doanh nghiệp tại thành phố này điều động tối thiểu 30% số nhân viên làm việc từ xa kể từ ngày 5/10 để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Theo ông Sobyanin, số người mắc COVID-19 nhập viện ở Mokva đã tăng khoảng 5.000 người/tuần và tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này tại Moskva lần đầu tiên tăng lên mức trên 19%.
Do số ca mắc COVID-19 vượt mốc 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua, Đức đã bổ sung hai nước Bỉ và Iceland cùng một số khu vực của 9 nước châu Âu vào danh sách có nguy cơ cao đối với COVID-19. Trong danh sách cập nhật mới nhất, Đức đã bổ sung thêm các vùng Pays de la Loire và Burgund của Pháp, đưa gần như toàn bộ quốc gia láng giềng lớn nhất này vào danh sách rủi ro, ngoại trừ vùng biên giới giáp với Đức là Grand Est - nơi từng ghi nhận tình hình dịch nghiêm trọng. Một số vùng của nước Anh, bao gồm cả xứ Wales và Bắc Ireland, đã lần đầu tiên phải vào danh sách này. Ngoài ra, Đức cũng lần đầu tiên bổ sung các khu vực của hai quốc gia vùng Baltic là Litva và Estonia vào danh sách rủi ro và có động thái tương tự với nhiều địa phương tại Ireland, Croatia, Slovenia, Hungary và Romania. Hiện Ba Lan là quốc gia láng giềng duy nhất không nằm trong danh sách, tuy nhiên số ca nhiễm mới cũng đang dần tăng ở nước này.
Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này ngày 1/10 đã ban hành sắc lệnh gia hạn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại khu vực thủ đô Madrid, bao gồm lệnh phong tỏa một phần sẽ có hiệu lực trong 48 giờ tới. Hiện thủ đô Madrid là địa phương duy nhất ở Tây Ban Nga có tỷ lệ lây nhiễm cao, 780 ca/100.000 người, trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác của nước này là 300 ca/100.000 người. Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong các nước thành viên EU và nước này đang ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19 với hơn 760.000 ca nhiễm, bao gồm 31.000 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, Canada đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách quốc tế đến ngày 31/10 khi dịch COVID-19 tại đây có dấu hiệu bùng phát trở lại với số ca mắc mới tăng đáng kể. Lệnh cấm này có hiệu lực từ giữa tháng 3 vừa qua khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu, ngoại trừ một số trường hợp như vợ/chồng, con cái, bố mẹ hoặc người giám hộ của công dân hoặc thường trú nhân Canada.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý nhập cư Colombia thông báo nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới đất liền, đường biển và đường sông cho tới ngày 1/11. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã trở thành nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, quyết định gia hạn đóng cửa biên giới sẽ được miễn với các trường hợp khẩn cấp vì lý do nhân đạo, vận chuyển hàng hóa hay các trường hợp bất khả kháng. Việc xuất cảnh của các công dân nước ngoài cần phải có sự phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.