Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới với 8.588.169 ca nhiễm và 227.440 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 7.708.947 ca nhiễm và 116.681 ca tử vong, Brazil với 5.300.649 ca nhiễm và 155.459 ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước trong đó có CH Séc, Ukraine, Áo, Bulgaria, Croatia, Hà Lan, Ba Lan, Hungary ghi nhận số ca nhiễm mới lên mức cao nhất trong 1 ngày, trong khi nhiều quan chức của châu lục này phải cách ly hoặc nhập viện để điều trị. Theo Bộ Y tế Séc, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 14.968 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 208.915 người, trong đó có 1.739 ca tử vong.
Theo truyền thông Séc, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ nước này Jan Hamacek đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và hiện đang phải cách ly tại nhà. Ông Hamacek đã tự cách ly sau cuộc họp với Bộ trưởng Nông nghiệp nước này Miroslav Toman - người đã có kết quả xét nghiệm nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Séc đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại và khách sạn, cũng như hạn chế việc đi lại từ ngày 22/10. Trước đó 1 ngày, nhà chức trách nước này cũng đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời và trong xe ô tô.
Ukraine cũng ghi nhận thêm 7.053 ca mắc, đưa tổng số người mắc bệnh lên 322.879.
Tại Áo, số ca mắc mới trong 1 ngày tại nước này cũng lên mức cao nhất từ trước tới nay, với 2.435 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Croatia là 1.563. Gần 1/2 số ca nhiễm mới được ghi nhận ở thủ đô Zagreb, với 705 ca. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Croatia là 29.850 ca, trong đó có 406 ca tử vong. Cùng ngày, nước láng giềng Slovenia ghi nhận 1.663 ca mắc mới, đưa tổng số người mắc bệnh lên 15.983.
Bộ Y tế Bulgaria thông báo ghi nhận thêm 1.472 ca mắc COVID-19 và 29 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia Balkan này lần lượt là 33.335 người và 1.048 người. Nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, từ ngày 22/10, nhà chức trách nước này yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc tại các không gian công cộng ngoài trời và tại những nơi không thể tuân thủ quy định cách nhau 1,5 mét.
Tại Nga, Bộ trưởng Y tế nước này Mikhail Murashko thông báo sẽ tự cách ly sau khi một trong những thành viên trong gia đình ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong ngày 22/10, Nga đã ghi nhận thêm 15.971 ca mắc COVID-19 và 290 ca tử vong.
Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan công bố số liệu cho thấy nước này ghi nhận thêm 9.271 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại Hà Lan đã tăng lên 253.134 ca, trong đó có 6.873 ca tử vong.
Bộ Y tế Ba Lan công bố thêm 12.107 ca mắc và 168 ca tử vong trong 24 giờ qua, chỉ một ngày sau khi công bố số ca mắc mới tăng cao chưa từng thấy với 10.040 ca. Tính đến ngày 22/10, quốc gia với 38 triệu dân này đã có 214.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.019 ca tử vong. Trong ngày, Chính phủ Ba Lan sẽ đưa ra thêm các biện pháp hạn chế để phòng COVID-19.
Đức đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với những khu trượt tuyết nổi tiếng tại Thụy Sĩ, Ireland, đa số khu vực của Áo, một số vùng của Italy, trong đó có khu trượt tuyết nổi tiếng South Tyrol. Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/10.
Theo đó, những người trở về Đức từ những vùng có nguy cơ cao phải được cách ly trong 10 ngày và sẽ được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ ngày thứ 5 trở đi. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, họ có thể rời khu cách ly. Đức đưa ra cảnh báo trên sau khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt. Trong ngày 22/10, Đức ghi nhận thêm 11.287 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc lên 392.049, trong đó có 9.905 ca không qua khỏi.
Liên minh châu Âu (EU) đã ký hợp đồng với hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J), theo đó hỗ trợ các nước thành viên trong khối mua được lượng vaccine ngừa bệnh COVID-19 đủ cung cấp cho 400 triệu người. Hiện vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do J&J phát triển đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm. J&J kỳ vọng lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ được cấp phép sử dụng vào đầu năm 2021 nếu chứng tỏ hiệu quả và an toàn sử dụng.
Trong khi đó, tập đoàn dược phẩm Roche của Thụy Sĩ thông báo đang hợp tác với hãng Atea Pharmaceuticals để phát triển một loại thuốc uống để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng không phải nhập viện. Thuốc AT-527 đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho những người nhập viện điều trị nhưng mức độ mắc bệnh chỉ là trung bình. Các thử nghiệm giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng trước khi có thể nộp đơn xin phê duyệt để có thể bán ra thị trường - đối với loại thuốc này sẽ được tiến hành vào quý I/2021.
Một số điểm nóng về dịch bệnh tại châu Á tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng mạnh. Số ca mắc mới trong cộng đồng tại Hàn Quốc được ghi nhận trong 1 ngày đã lần đầu tiên tăng trở lại lên mức hơn 100 ca trong gần 1 tháng qua.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo thêm 121 ca nhiễm, trong đó có 104 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên 25.543 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày trong tháng này chủ yếu từ các ổ dịch nhỏ tại Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận, cũng như các ca bệnh "nhập khẩu". Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng số ca không qua khỏi lên 453 ca.
Ấn Độ ghi nhận thêm 55.839 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 7.706. 946 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 116.616 ca, với 702 trường hợp được ghi nhận kể từ sáng 21/10. Hiện vẫn còn 715.812 bệnh nhân đang được điều trị, trong khi đã có hơn 6,87 triệu người bình phục.
Bộ Y tế Philippines xác nhận thêm 1.664 ca mắc, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới dưới 2.000 ca trong 1 ngày. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 38 ca tử vong do COVID-19. Hiện số ca mắc tại Philippines đã lên tới 363.888 ca, trong đó có 6.783 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận thêm 4.432 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 377.541 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 102 ca tử vong mới do dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.959 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.