Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 28.262.355 ca mắc và 497.175 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.916.589 ca mắc và 155.764 ca tử vong, Brazil với 9.834.513 ca mắc và 239.294 ca tử vong, Nga với 4.086.090 ca mắc và 80.520 ca tử vong.
Tại Canada, các biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thổi bùng lên một số ổ dịch trong các cộng đồng ở vùng hẻo lánh. Theo đó, ít nhất 4 tỉnh của Canada đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới trong cộng đồng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều biến thể đã khiến người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam, kêu gọi quốc gia Bắc Mỹ này cảnh giác để ngăn chặn dịch bệnh tăng nhanh và đang trở nên khó kiểm soát hơn. Chính quyền Quebec cũng đang cân nhắc hoãn dỡ bỏ các hạn chế đến sau kỳ nghỉ Xuân vào đầu tháng 3.
Campuchia cũng vừa phát hiện 3 ca nhập cảnh nhiễm biến thể mới gồm 2 công dân Ấn Độ và 1 công dân Trung Quốc. Hiện các bệnh nhân này đang được điều trị tại Trung tâm Phòng chống Lao và Viêm gan quốc gia Phnom Penh. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác và tuân thủ các biện pháp y tế dự phòng như rửa tay, đeo khẩu trang và thực hiện giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội.
Tình hình dịch COVID-19 đang nóng lên ở châu Âu. Italy đã phải lùi thời điểm mở cửa khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sang ngày 5/3, thay vì ngày 15/2 theo kế hoạch trước đó. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể của SARS-CoV-2 chiếm trung bình 17,8% các ca nhiễm mới tại Italy.
Chính phủ Italy cho biết thêm sẽ sớm triển khai các gói cứu trợ các nhà vận hành khu trượt tuyết để khắc phục phần nào hậu quả do phải ngừng hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh.
Tại Đông Nam Á, Philippines cũng phải hoãn kế hoạch mở lại rạp chiếu phim. Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque, Philippines đã quyết định dời ngày mở lại các rạp chiếu phim sang ngày 1/3 tới, thay vì ngày 15/2. Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục thảo luận với các chính quyền địa phương về các biện pháp an toàn phòng dịch trước khi các rạp chiếu phim có thể mở lại. Các biện pháp có thể bao gồm hạn chế số khán giả trong rạp, yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về y tế cộng đồng.
Còn tại Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ thị Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan thực thi nghiêm các biện pháp pháp lý theo nghị định y tế về phòng tránh và ứng phó với bệnh dịch tại khu vực cửa khẩu biên giới. Chỉ thị được đưa ra để ứng phó với tình trạng lao động nhập cư Campuchia ồ ạt từ Thái Lan đổ về nước và cố tình tránh cách ly tập trung 14 ngày làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Mức xử phạt với những đối tượng không tuân thủ nghị định y tế về phòng tránh và ứng phó với dịch COVID-19 là từ 50 USD đến 250 USD và còn bị truy tố theo luật hiện hành.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã gia hạn khuyến cáo đặc biệt đối với việc du lịch nước ngoài thêm một tháng. Theo đó, người dân tiếp tục được khuyến cáo hủy hoặc hoãn các chuyến đi nước ngoài đã lên kế hoạch. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 17/3 tới. Khuyến cáo hiện tại được ban hành hồi tháng 12 năm ngoái, ban đầu được ấn định sẽ hết hạn trong ngày 15/2.
Australia cũng đã quyết định ngừng "bong bóng du lịch" với New Zealand sau khi cơ quan chức năng nước này triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngày 14/2. Australia hiện xếp các chuyến bay khởi hành từ New Zealand vào "Vùng Đỏ" trong 72 giờ, từ ngày 15/2. Theo đó, người bay từ New Zealand tới Australia sẽ phải cách ly theo dõi 14 ngày như trước khi thỏa thuận "bong bóng du lịch" mà 2 bên triển khai thực hiện.