Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 55.587 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.494 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.828 người dân trong khu vực, tăng 24 ca với một ngày trước đó. Các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 14.173 trường hợp.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 8/5
Quốc gia |
Tổng ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Tổng ca hồi phục |
Singapore |
21.707 |
+768 |
20 |
0 |
1.712 |
Indonesia |
13.112 |
+336 |
943 |
+13 |
2.494 |
Philippines |
10.463 |
+120 |
696 |
+11 |
1.734 |
Malaysia |
6.535 |
+68 |
107 |
0 |
4.864 |
Thái Lan |
3.000 |
+8 |
55 |
0 |
2.784 |
Việt Nam |
288 |
0 |
0 |
0 |
241 |
Myanmar |
176 |
0 |
6 |
0 |
62 |
Brunei |
141 |
0 |
1 |
0 |
132 |
Campuchia |
122 |
0 |
0 |
0 |
120 |
TimorLeste |
24 |
0 |
0 |
0 |
21 |
Lào |
19 |
0 |
0 |
0 |
9 |
Ngày 8/5, Chính phủ Indonesia ghi nhận 336 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên thành 13.112. Nước này cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 943 ca. Trong khi đó, đã có tổng cộng 2.494 bệnh nhân bình phục. Ngoài ra, số ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn Indonesia là 29.087 ca.
Chính phủ Indonesia đã bắt đầu thảo luận về khả năng mở cửa lại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á theo từng giai đoạn, bắt đầu từ tháng 6, trong bối cảnh ngày càng nhiều người thất nghiệp và doanh nghiệp vật lộn để sống sót. "Chiến lược thoát ra" bao gồm chỉ áp đặt lệnh phong toả từng phần ở các đô thị lớn, trong đó có vùng thủ đô Jakarta. Các quy định giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ dần theo 5 giai đoạn, và nền kinh tế sẽ mở cửa lại hoàn toàn vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Ngày 8/5, Bộ Giao thông Indonesia bất ngờ thông báo khôi phục vận tải hàng không, song ở mức hạn chế sau 2 tuần cấm mọi hoạt động đi lại bằng đường biển và đường không để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo đó, những người được phép đi lại bằng đường hàng không gồm những người làm việc trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và dịch vụ y tế hoặc vì lý do sức khỏe cấp bách, nếu những người này có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo âm tính với virus SARS-CoV-2 và có thư giới thiệu của đơn vị chủ quản.
Ngày 8/5, Bộ Y tế Singapore xác nhận nước này có thêm 768 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 21.707. Trong số các ca bệnh mới chỉ có 10 là người Singapore và thường trú nhân, số còn lại đều là lao động nhập cư sống trong các khu ký túc tập thể.
Cùng ngày, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore Lawrence Wong cho biết một cuộc họp báo trực tuyến, cuộc sống tại nước này sẽ không trở lại bình thường ngay sau ngày 1/6, khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Ông Wong cho biết các biện pháp phòng ngừa vẫn được tiến hành, bao gồm sử dụng các hệ thống đăng ký vào làm kỹ thuật số SafeEntry tại nơi làm việc, ứng dụng truy dấu tiếp xúc TraceTogether... Bộ trưởng Wong cũng khẳng định Singapore tiếp tục chiến đấu chống COVID-19 trên hai mặt trận: kiểm soát dịch trong các khu ký túc công nhân và trong cộng đồng.
Cùng ngày, Philippines ghi nhận 120 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 10.463 ca.
Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có thêm 116 bệnh nhân đã phục hồi trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên con số 1.734. Ngoài ra, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này hiện đã tăng lên đến 696 ca, sau khi ghi nhận 11 ca tử vong mới.
DOH cho biết kể từ khi bùng phát dịch bệnh đến nay, cơ quan này đã thực hiện được 145.000 xét nghiệm mẫu bệnh phẩm để sàng lọc các bệnh nhân mắc COVID-19.
Philippines cũng đã lập thêm 4 trung tâm lấy mẫu bệnh phẩm quanh khu Metro Manila. Tính đến nay, có tổng cộng 23 trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên cả nước. Chính phủ Philippines đặt mục tiêu thực hiện được 5.000 xét nghiệm mỗi ngày tại tất cả 4 trung tâm lớn lấy mẫu bệnh phẩm, hoặc thực hiện được tổng cộng 30.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày tính tới cuối tháng 5 này.
Ngày 8/5, Malaysia ghi nhận 68 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 6.535 ca. Nước này không ghi nhận thêm ca tử vong mới nào trong hai ngày liên tiếp và tổng số ca tử vong vẫn ở mức 107. Ngoài ra, hiện có tổng cộng 4.864 bệnh nhân đã phục hồi.
Theo tờ Straits Times, hầu hết doanh nghiệp tại Malaysia không trả hơn hai tháng lương cho nhân viên, trong khi 2/3 số doanh nghiệp đã không kiếm được bất cứ nguồn thu nào trong thời gian thi hành lệnh kiểm soát đi lại tại nước này. Tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 10 năm vào tháng Ba, với trên 600.000 người thất nghiệp, so với 521.300 người cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tại Thái Lan, tổng số ca mắc COVID-19 tính đến hết ngày 8/5 đã tăng lên 3.000 sau khi có thêm 8 ca nhiễm virus. Trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận ca tử vong nào, giữ nguyên số ca tử vong là 55.
Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) cho biết Chính phủ Thái Lan đang tăng cường nỗ lực nhằm phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời đặt mục tiêu thực hiện được tổng cộng 400.000 xét nghiệm so với mức hiện tại khoảng 230.000. CCSA sẽ mở rộng các tiêu chí xét nghiệm, trong đó có việc lấy mẫu bệnh phẩm đối với những trường hợp có nhiều triệu chứng giống cúm nhưng không sốt hoặc mất vị giác.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng ngày đã bày bỏ lạc quan rằng nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ cải thiện khi các ngành kinh doanh mở cửa trở lại và tuyển dụng lao động, trong khi du lịch được nối lại cùng với các biện pháp mang lại niềm tin cho du khách về sự an toàn của họ.
Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng hai tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện số lượng ca mắc COVID-19 mới được kiểm soát. Nước này bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng Năm. Giai đoạn 2 của tiến trình này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca nhiễm COVID-19 mới không tăng.
Trong khi đó, ngày 8/5, 6 quốc gia còn lại trong khu vực, gồm Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste đều không ghi nhận các ca mắc COVID-19.