Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.062 người dân ở khu vực này, tăng 59 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 103.305 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 50.326 trường hợp.
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.851 người tử vong. Malaysia sau một thời gian khống chế hiệu quả dịch bệnh, giờ đang đối mặt với mối lo ngại "bóng ma" COVID-19 quay trở lại do liên tục ghi nhận các cơ dương tính mới trong mấy ngày qua.
Tuy nhiên, về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 7/6
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
37.910 |
+383 |
25 |
|
24.886 |
Indonesia |
31.186 |
+672 |
1.851 |
+50 |
10.498 |
Philippines |
21.895 |
+555 |
1.003 |
+9 |
4.530 |
Malaysia |
8.322 |
+19 |
117 |
|
6.674 |
Thailand |
3.112 |
+8 |
58 |
|
2.972 |
Việt Nam |
329 |
|
|
|
307 |
Myanmar |
242 |
+2 |
6 |
|
156 |
Brunei |
141 |
|
2 |
|
138 |
Campuchia |
125 |
|
|
|
123 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
18 |
Tính đến hết ngày 7/6, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 31.186 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.851 ca tử vong. Hiện vẫn còn 4 tỉnh cùng 10 thành phố và huyện tại quốc gia này duy trì các hạn chế xã hội quy mô lớn, trong đó tỉnh Tây Java có thời hạn áp dụng kéo dài nhất.
Chính quyền tỉnh Tây Java của Indonesia đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) tại Bogor, Depok và Bekasi, 3 thành phố lớn thuộc khu vực Đại Jakarta, tới ngày 2/7.
Truyền thông Indonesia cùng ngày dẫn lời người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của tỉnh Tây Java, ông Daud Achmad cho biết quyết định trên có hiệu lực thi hành trong 28 ngày kể từ ngày 6/6.
Tuy nhiên, PSBB sẽ được điều chỉnh theo từng huyện và làng dựa trên mức độ khẩn cấp của từng địa phương, cũng như kế hoạch của thủ đô Jakarta bắt đầu nới lỏng PSBB trong một số lĩnh vực vào tháng 6 này.
Trước đó, Thống đốc tỉnh Tây Java, ông Ridwan Kamil đã ban hành kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới” nhằm tái khởi động một số lĩnh vực với điều kiện tuân thủ các biện pháp y tế về phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 7/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này sẽ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch đối với hoạt động kinh doanh vào ngày 10/6, trong đó có lệnh cấm đi lại giữa các bang của nước này sau lệnh phong tỏa kéo dài gần 3 tháng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết tình hình dịch COVID-19 hiện đang trong tầm kiểm soát và Malaysia sẽ bắt đầu giai đoạn phục hồi mới cho đến ngày 31/8.
Trước đó, hồi tháng 5, Chính phủ Malaysia đã dần cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại song tuân thủ các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Trước đó, ngày 18/3, Malaysia đã đóng cửa toàn bộ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, trường học, cấm các cuộc tụ tập và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong ngày 7/6, Malaysia đã phát hiện thêm 19 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 8.322 trường hợp, trong đó có 117 ca tử vong.
Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo trường hợp thứ 126 mắc COVID-19 tại nước này là một đàn ông gốc Campuchia mang quốc tịch Pháp, sống tại quận Sen Sok, Phnom Penh.
Trước đó, người đàn ông này từ Pháp quá cảnh Hàn Quốc, nhập cảnh vào Campuchia hôm 24/5, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 6/6 và được đưa đi điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Khmer - Liên Xô tại thủ đô Phnom Penh.
Đến nay, Campuchia đã phát hiện tổng cộng 126 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 123 trường hợp đã phục hồi và không có ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Singapore ghi nhận 383 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, nước này vẫn làm tốt khâu điều trị, khi tiếp tục ghìm số ca tử vong ở mức rất thấp so với tỷ lệ ca mắt với tổng công chỉ có 25 ca tử vong tính tới hết ngày 7/6.
Philippines trong ngày 7/6 ghi nhận 9 ca tử vong và 555 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh lên lần lượt 1.003 và 21.895 trường hợp. Philippines chính là quốc gia ASEAN có ca tử vong vì dịch COVID-19 ca thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Trong ngày 7/6, các nước ASEAN khác như Brunei, Việt Nam, Lào hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.