Trong 24 giờ qua, có hai nước thành viên ASEAN là Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia là nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.910 người dân ở khu vực này, tăng 33 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 98.343 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 47.000 trường hợp.
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.721 người tử vong. Thái Lan đang đối mặt với nỗ lo dịch bệnh bùng trở lại trong mấy ngày gần đây, trong đó ngày 4/6 ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới.
Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Trong khi đó, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 4/6
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca hồi phục |
Singapore |
36.922 |
+517 |
24 |
|
23.582 |
Indonesia |
28.818 |
+585 |
1.721 |
+23 |
8.892 |
Philippines |
20.382 |
+634 |
984 |
+10 |
4.248 |
Malaysia |
8.247 |
+277 |
115 |
|
6.559 |
Thái Lan |
3.101 |
+17 |
58 |
|
2.968 |
Việt Nam |
328 |
|
|
|
302 |
Myanmar |
236 |
+3 |
6 |
|
148 |
Brunei |
141 |
|
2 |
|
138 |
Cambodia |
125 |
|
|
|
123 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
16 |
Trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia Đông Nam Á chứng kiến bệnh dịch diễn biến đáng ngại nhất khi nước này ghi nhận 23 ca tử vong và 585 ca dương tính mới.
Tính tới hết ngày 4/6, quốc gia vạn đảo có tổng cộng 28.818 ca mắc COVID-19 và 1.721 ca tử vong.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng ngày đã yêu cầu các cơ quan chức năng nước này tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh COVID-19, trong bối cảnh nước này chuẩn bị chuyển sang trạng thái bình thường mới sau dịch. Tổng thống Widodo nêu rõ Indonesia đã vượt qua mục tiêu mà ông đặt ra trước đây là tiến hành 10.1000 xét nghiệm mỗi ngày, và mục tiêu tiếp theo là thực hiện 20.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Indonesia đang lên kế hoạch mở cửa trở lại hoạt động kinh tế, đặc biệt là tại những khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhà chức trách Indonesia cũng đã chuẩn bị các hướng dẫn y tế cho các khu vực và lĩnh vực được hoạt động trở lại như du lịch, thương mại và thể thao.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan ngày 4/6 đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn, đồng thời tuyên bố tháng 6 là “giai đoạn chuyển tiếp” trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại thành phố thủ đô của Indoensia.
Thống đốc Baswedan thông báo chính quyền thành phố đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh và biện pháp này sẽ được nới lỏng theo từng giai đoạn, trong đó các nhà hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 5/6.
Cũng theo ông Baswedan, các nhà máy, kho tàng, và văn phòng sẽ bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 8/6. Các trung tâm mua sắm và khu chợ phi thực phẩm có thể mở cửa đón khách từ ngày 15/6. Các công viên giải trí trong nhà bắt đầu mở cửa vào ngày 21/6, một ngày trước khi mở lại các hoạt động thể thao. Trong khi đó, giao thông công cộng tiếp tục hoạt động bình thường song chỉ được phép khai thác tối đa 50% công suất.
Ngoài Indonesia, trong 24 giờ qua khu vực Đông Nam Á chỉ còn Philippines ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19. Hết ngày 4/6, Philippines có tổng cộng 20.382 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 984 ca tử vong.
Từ đầu tuần này, hàng triệu người dân thủ đô Manila đã đi làm trở lại, trong bối cảnh nhà chức trách Philippines quyết định nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới do dịch COVID-19 để phục hồi kinh tế.
Sau gần 3 tháng áp dụng phong tỏa, các phương tiện giao thông công cộng tại Philippines được phép hoạt động trở lại nhưng với quy mô hạn chế, khiến nhiều khách phải xếp hàng đợi trong nhiều giờ. Philippines đã cho phép phần lớn các doanh nghiệp mở lại hoạt động và người dân có thể rời nhà mà không cần giấy phép.
Tuy nhiên, các trường học, quán bar, nhà hàng vẫn phải đóng cửa. Hiện cả trẻ em và người lớn tuổi ở Philippines vẫn phải ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm.
Thái Lan ngày 4/6 xác nhận 17 ca mắc COVID-19 từ những người trở về từ nước ngoài, nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào vì dịch bệnh này.
Trong số 17 ca mới nói trên, có 13 người trở về từ Kuwait. Như vậy, tính đến ngày 4/6, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.101 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã chữa khỏi cho 2.968 bệnh nhân COVID-19 và hiện còn 75 người đang được điều trị tại các bệnh viện.
Trong hơn một tuần qua, Thái Lan đã không ghi nhận ca COVID-19 nào lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ còn các ca mới từ người hồi hương. Kể từ ngày 5/6 tới, Bộ Quốc phòng Thái Lan đặt mục tiêu đưa nhiều hơn số người Thái bị mắc kẹt do đại dịch COVID-19 ở các quốc gia khác trở về nước, với số lượng từ 400 người lên 500 người/ngày. Hiện Bộ Quốc phòng Thái Lan đang chuẩn bị các địa điểm cách ly dân sự để đón nhận thêm người từ nước ngoài trở về.
Bộ Tài chính Thái Lan đã nhất trí với kế hoạch tung ra một chương trình khuyến khích du lịch nội địa lớn vào tháng tới, theo đó phát các phiếu thanh toán có giá trị từ 2.000 đến 3.000 baht (60 - 90 USD) cho 4 triệu người dân và tặng các chuyến đi nghỉ miễn phí cho 1,2 triệu nhân viên y tế.
Ngày 4/6, Malaysia ghi nhận 277 ca mắc bệnh COVID-19, đây là mức tăng lớn nhất trong ngày được ghi nhận kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Malaysia vào cuối tháng 2 vừa qua.
Trong số các ca mắc mới, có 271 ca là người nước ngoài, bao gồm 270 ca phát hiện ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư Bukit Jalil và 1 ca phát hiện tại một công trường xây dựng ở Pudu, đều thuộc Kuala Lumpur. Đối với 6 ca nhiễm COVID-19 mới là người Malaysia có 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2 ca từ nước ngoài về.
Như vậy tính tới hết ngày 4/6, Malaysia có tổng cộng 8.274 ca mắc COVID-19, trong đó 6.559 ca đã được xuất viện, 1.573 ca vẫn còn dương tính. Malaysia cũng đã có 13 ngày liên tục không ghi nhận thêm ca tử vong nào vì COVID-19, hiện vẫn ở con số 115 ca.
Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết chính phủ đang xem xét ý tưởng trên và coi đây là sáng kiến tiếp theo trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, công dân Malaysia ở nước ngoài và người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh Malaysia nếu như họ có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày trước khi nhập cảnh.
Cũng theo ông Hisham, Bộ Y tế Malaysia đang cân nhắc thêm khả năng cho phép công dân từ nước ngoài trở về được cách ly tại nhà, thay vì tại các trung tâm cách ly.
Ngày 4/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã chọn trường Trung học Hun Sen Champuvorn làm điểm kiểm tra sức khỏe cho du khách đến Campuchia. Trung tâm này được trang bị 200 giường, ở gần sân bay quốc tế Phnom Penh.
Thông báo của bộ trên cho biết kể từ ngày 20/5, tất cả hành khách vào Campuchia được đưa đến khu vực trên lấy mẫu kiểm tra COVID-19. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia York Sambath cho biết trung tâm này được sử dụng để kiểm tra sức khỏe cho hành khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như công dân Campuchia từ Hàn Quốc trở về nước.
Ngoài việc chuẩn bị đón du khách nước ngoài, Campuchia cũng đang thúc đẩy du lịch nội địa đi đôi với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong 3 tuần đầu tháng Năm đã có gần 400.000 lượt du khách tới thăm các điểm du lịch trên khắp đất nước chùa Tháp, trong đó có 390.922 lượt khách nội địa và 7.177 lượt khách nước ngoài.
Với hoạt động thăm quan trong nước tăng, Bộ Du lịch Campuchia đang làm việc chặt chẽ với khu vực tư nhân để thực hiện các biện pháp an toàn du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, góp phần phòng chống và ngăn chặn lây lan dịch COVID-19.
Trong ngày 4/6, các nước ASEAN khác như Brunei, Việt Nam, Lào hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.