Trong 24 giờ qua, ASEAN có 2.099 ca mắc COVID-19, chủ yếu ở ba nước Philippines (751 ca), Indonesia (684 ca) và Singapore (569 ca). Ngoài ra, Malaysia ghi nhận 93 ca mắc, Myanmar và Thái Lan mỗi nước có thêm một ca. Các nước còn lại không có ca mắc trong ngày 3/6.
Chỉ có hai nước là Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong trong ngày 3/6, lần lượt là 35 và 8. Indonesia đứng đầu khối về ca tử vong với 1.698 ca tính tới hết ngày 3/6, tiếp đó là Philippines với 974 ca.
Khi dịch bệnh giảm bớt, nhiều nước bắt đầu có các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Lào: Ngày thứ 52 không có ca mắc COVID-19
Tại cuộc họp báo chiều 3/6 ở thủ đô Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào cho biết tính đến nay, nước này đã có 52 ngày liên tiếp không phát hiện thêm các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi số bệnh nhân đang điều trị chỉ còn một người.
Tính đến ngày 2/6, Lào đã thực hiện tổng cộng 7.491 lần xét nghiệm, ghi nhận 19 ca mắc COVID-19. Số ca chữa khỏi tính tới nay là 18 ca, trong đó có hai bệnh nhân vừa được xuất viện vào sáng 3/6. Như vậy, hiện Lào chỉ còn một nam bệnh nhân đang được điều trị và dự kiến sẽ sớm được xuất viện trong những ngày tới.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Ngoại giao Lào vừa cập nhật các thủ tục và quy định mà công dân Lào và người nước ngoài có ý định xuất-nhập cảnh nước này phải tuân thủ để phù hợp tình hình mới sau khi Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID -19 Lào ban hành các biện pháp nới lỏng cách ly xã hội lần thứ ba áp dụng từ ngày 2-30/6.
Theo đó, về việc nhập cảnh, các bộ hoặc cơ quan tương đương có nhu cầu tiếp nhận chuyên gia và du học sinh vào Lào cần làm công văn đề nghị gửi Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng dịch COVID-19 để được xem xét.
Đối với các cá nhân, pháp nhân có nhu cầu tiếp nhận nhà đầu tư và doanh nhân vào Lào để tiến hành nghiên cứu đầu tư hoặc ký hợp đồng hợp tác, cần phải làm các thủ tục với các cơ quan liên quan trước khi trình lên Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Lào.
Đối với doanh nghiệp, dự án có nhu cầu nhập khẩu lao động và chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Lào cũng cần tiến hành các thủ tục như trên để trình Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 xem xét.
Đối với cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế có nhu cầu cấp thiết tiếp nhận nhà ngoại giao, cán bộ đến làm việc ngắn hạn và dài hạn tại Lào cần đề nghị bằng văn bản lên Bộ Ngoại giao.
Thông báo cũng quy định mọi đề nghị hỗ trợ nhập cảnh người nước ngoài nói trên cần trình Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 tối thiểu 7 ngày để được xem xét. Sau khi được cho phép, mọi trường hợp cá nhân cần có thị thực còn hạn hoặc phải xin cấp thị thực mới, đồng thời phải có giấy xác nhận xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng không quá 72 giờ mới được nhập cảnh Lào.
Thái Lan cho lao động từ ba nước ASEAN vào làm việc
Nội các Thái Lan đã quyết định cho phép lao động nhập cư từ Campuchia, Lào và Myanmar ở lại và làm việc tại nước này cho tới ngày 31/7. Trước đó, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động đã cho phép lao động từ 3 nước nói trên ở lại và làm việc tại Thái Lan cho tới 31/5.
Cơ quan Thông tin Quốc gia Thái Lan (NNT) ngày 3/6 dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Narumon Pinyosinwat cho biết cùng với việc các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn còn hiệu lực, Bộ Lao động đã triệu tập một cuộc họp của những cơ quan khác nhau như Cục Di trú, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Thư ký thường trực Bộ Nội vụ và Cục Chính quyền Địa phương. Các quan chức tham dự đã nhất trí rằng lao động nhập cư đến từ Campuchia, Lào và Myanmar có thể ở lại và làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 tới ngày 31/7.
Những lao động nhập cư này được chia thành hai nhóm, trong đó nhóm thứ nhất là những người Campuchia, Lào và Myanmar có giấy phép lao động theo Bản ghi nhớ (MoU) về các vấn đề lao động. Nhóm thứ hai gồm những lao động Campuchia và Myanmar mang giấy thông hành biên giới.
Theo NNT, quyết định này sẽ giảm thiểu nguy cơ những lao động này tiếp xúc và làm lây lan dịch COVID-19, ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt lao động và hỗ trợ hồi phục kinh tế sau khi tình hình dịch bệnh cải thiện.
Indonesia hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước khôi phục hoạt động
Ngày 3/6, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani cho biết Chính phủ Indonesia đã quyết định chi 52.500 tỷ rupiah hỗ trợ 12 doanh nghiệp nhà nước sớm khôi phục hoạt động, thúc đẩy phục hồi kinh tế đất nước.
Đây là 12 tập đoàn, doanh nghiệp được xác định là có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Indonesia, trong đó có Tổng Công ty phát triển du lịch Indonesia (Persero); tập đoàn xăng dầu Pertamina; tập đoàn thép Krakatau (KRAS); hãng hàng không quốc gia Indonesia Gruada… Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, quyết định trên của chính phủ được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Indonesia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động kinh tế của đất nước gần như bị ngưng trệ hoàn toàn, tạo ra những áp lực vô cùng lớn đối với kinh tế quốc gia.
Việc chính phủ quyết định chi ngân sách để hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp do nhà nước vận hành nằm trong trong Chương trình Phục hồi kinh tế quốc gia (PEN). Chính phủ Indonesia luôn coi vị trí của các tập đoàn, doanh nghiệp này là “xương sống” của nền kinh tế và tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Do đó, chính phủ cho rằng phải có những biện pháp tài chính hỗ trợ để các tập đoàn nhanh chóng hoạt động trở lại, cũng như vực dậy nền kinh tế của quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ lần này sẽ được nhận kinh phí trực tiếp bằng tiền mặt và cũng sẽ được chính phủ hỗ trợ các chi phí liên quan đến nhiên liệu, điện và nước trong quá trình vận hành kinh doanh, sản xuất.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, bà Mulyani cho biết tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý II/2020 được dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với quý I, với mức tăng chỉ khoảng 1%, do chính sách Hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) đang triển khai ở nhiều tỉnh và khu vực trên cả nước. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia năm 2020 sẽ không tiêu cực như nhiều nước khác bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bộ trưởng Sri Mulyani bày tỏ lạc quan rằng PEN đang được chính phủ thực hiện có thể thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Điều này làm tăng hy vọng kinh tế trong nước sẽ không giảm mạnh. Sự phục hồi kinh tế quốc gia có thể diễn ra vào quý III và quý IV/2020.
Cơ quan Thống kê trung ương (BPS) ghi nhận tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý đầu năm 2020 chỉ đạt 2,97% là do sức mua của người dân giảm đáng kể vì đại dịch COVID-19 bùng phát tác động đến hầu hết tất cả các tầng lớp dân cư. Mới đây, Chính phủ Indonesia phân bổ khoản kinh phí lên tới 677.200 tỷ rupiah để ngăn chặn, xử lý sự lây lan của dịch bệnh, trong đó chương trình phục hồi kinh tế quốc gia sẽ được ưu tiên phân bổ lên tới 589.650 tỷ rupiah.
Malaysia dự báo doanh số bán ô tô giảm mạnh
Trong thông báo ngày 3/6, Viện Ô tô, Robot và Internet vạn vật Malaysia (MARii) dự báo doanh số bán xe tại nước này trong năm nay sẽ giảm khoảng 28% do việc đóng cửa các nhà máy và địa điểm bán hàng trong giai đoạn áp dụng Lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) nhằm đối phó với dịch COVID-19.
MARii cho biết đến thời điểm này có thể khẳng định năm 2020 không phải là năm có lợi nhuận đối với ngành công nghiệp ô tô tại Malaysia mà là năm mà ngành này chỉ có thể hy vọng sống sót.
Theo Giám đốc điều hành MARii, ông Madani Sahari, để ngành công nghiệp ô tô Malaysia không lâm vào khủng hoảng trong năm nay, cần tiêu thụ ít nhất 500.000 xe. Tuy nhiên, ông Madani cho rằng hiện nay tâm lý người tiêu dùng vẫn cảnh giác trước những khó khăn và thách thức về kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định mua xe của họ.
MARii nhấn mạnh ngành ô tô Malaysia phải kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa ra các sáng kiến, biện pháp giúp người tiêu dùng bớt lo lắng, đồng thời giải quyết những băn khoăn, lo ngại của họ liên quan đến việc mua xe, đặc biệt là những người có nhu cầu mua xe mới. Trong số đó có việc tạm thời dừng áp dụng quy định phải trả trước một phần tiền mua xe. Thay vào đó, người tiêu dùng có thể được vay 100% chi phí mua xe. Bên cạnh đó, lãi suất vay mua xe cũng cần giảm xuống. Các nhà sản xuất xe cũng cần bắt tay với chính phủ tài trợ phí đường bộ và phí mua bảo hiểm xe cho người tiêu dùng….
Việc kết hợp các biện pháp này sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng cho người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.