Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 5/6: Dịch dịu đi tại Singapore, các nước tập trung khôi phục kinh tế

Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24 giờ qua các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.228 ca mắc bệnh COVID-19. Số ca nhiễm virus tại Singapore giảm mạnh, các quốc gia khác trong khu vực đang tập trung vào các sáng kiến khôi phục kinh tế, việc làm sau đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho cảnh sát ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến 23 giờ 59' ngày 5/6, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 99.430 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.961 ca tử vong, tăng 53 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 47.878 trường hợp.

Trong vòng một ngày qua, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả số ca tử vong và số ca nhiễm virus mới. Trong khi đó, dịch đang có xu hướng giảm dần ở Singapore, với số lượng ca mắc COVID-19 mới giảm mạnh, trong khi Indonesia có số ca nhiễm virus và tử vong mới cao nhất khu vực. Nhóm các nước gồm Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào tiếp tục duy trì chuỗi ngày không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 5/6
Quốc gia Tổng ca nhiễm Ca nhiễm mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Singapore 37.183 +261 24 0 9.443
Indonesia 29.521 +703 1.7704 +49 4.330
Philippines 20.626 +244 987 +3 6.610
Malaysia 8.266 +19 116 +1 6.610
Thái Lan 3.102 +1 0 0 2.971
Việt Nam 328 0 0 0 307
Myanmar 236 0 6 0 148
Brunei 141 0 2 0 138
Campuchia 125 0 0 0 123
Timor Leste 24 0 0 0 24
Lào 19 0 0 0 19 

Indonesia mở cửa các địa điểm thờ tự

Lần đầu tiên sau gần 3 tháng qua, các đền thờ trên khắp thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại trong ngày 5/6, trong bối cảnh thành phố này dần nới lỏng lệnh phong tỏa một phần bất chấp số ca mắc bệnh COVID-19 tại đất nước có dân số chủ yếu theo đạo Hồi này tiếp tục tăng mạnh.

Chú thích ảnh
Các tín đồ Hồi giáo thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 trong một buổi cầu nguyện tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các đền thờ và các nơi thờ tự, cầu nguyện đã nối lại hoạt động sau khi Thống đốc Jakarta ngày 4/6 tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các địa điểm du lịch sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới. Theo các quy định mới, những nơi thờ tự phải hạn chế số lượng người tới cầu nguyện, và các tín đồ được khuyến cáo đeo khẩu trang và đo thân nhiệt trước khi vào đền thờ.

Indonesia là quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, hiện đã ghi nhận 29.521 ca mắc bệnh, bao gồm 1.770 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Các tín đồ Hồi giáo tham dự một buổi cầu nguyện ở Tây Java, Indonesia, ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore: 60% hộ gia đình sẽ nhận thêm hỗ trợ vì dịch COVID-19

Theo tờ Straits Times, khoảng 60% số hộ gia đình tại Singapore sẽ nhận thêm những lợi ích bổ sung nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Những lợi ích này bao gồm trợ cấp tiền mặt bổ sung từ các quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch của chính phủ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore, Heng Swee Keat cho biết các hỗ trợ bổ sung sẽ tương đương 12% thu nhập trung bình của hộ gia đình.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cùng ngày 5/6, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, nước này đang phát triển một thiết bị có thể mang theo người giúp truy dấu nguồn lây nhiễm dịch COVID-19. Nếu thành công, thiết bị này sẽ được trang bị cho tất cả công dân của đảo quốc sư tử. Thiết bị theo dấu sẽ không đòi hỏi người sử dụng phải sở hữu điện thoại thông minh. Thiết bị hoạt động bằng pin, có thể gắn vào dây để đeo trên người hoặc để trong túi xách, vì thế sẽ rất tiện dụng. 

Ngày 5/6, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm mạnh so với một ngày trước đó, chỉ tăng 261 ca so với trên 500 ca trong ngày 4/6. Như vậy nước này hiện ghi nhận 37.183 ca bệnh, trong đó có 24 ca tử vong và 9.443 người đã hồi phục. 

Philippines ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục

Cơ quan thống kê của Philippines (PSA) ngày 5/6 cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 đã tăng đến mức kỷ lục 17,7%. Nói cách khác, ít nhất 7,3 triệu người đã mất việc làm trong tháng này do dịch COVID-19. Phát biểu tại họp báo trực tuyến, người đứng đầu PSA Claire Dennis Mapa cho biết: "Đây là mức cao kỷ lục, phản ánh tác động của dịch đối với thị trường lao động tại Philippines".  

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Manila, Philippines, ngày 4/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Bộ Tài chính Philippines (DOF) cho biết nước này và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ người nghèo và người lao động bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Ngoài khoản vay 500 triệu USD mới này từ WB, tính đến ngày 14/5, Chính phủ Philippines đã vay từ các tổ chức đa phương và từ các thị trường nợ nước ngoài 4,858 tỷ USD.

Philippines hiện ghi nhận tổng cộng 20.626 ca mắc COVID-19, trong đó 987 ca tử vong.

Malaysia công bố sáng kiến phục hồi kinh tế tập trung tạo việc làm

Ngày 5/6, Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế ngắn hạn với 40 sáng kiến trị giá 35 tỷ RM (8,2 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong kế hoạch này, Chính phủ Malaysia phân bổ 350 triệu RM (82 triệu USD) để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Cùng với đó, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại các thành phố cũng được trợ cấp 500 RM và mỗi cộng đồng được phân bổ 50.000 RM. Lĩnh vực hợp tác kinh tế số cũng được phân bổ 25 triệu RM theo chương trình lao động trực tuyến toàn cầu, gồm những người làm việc tại nhà nhưng phục vụ đối tượng khách hàng trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sử dụng dịch vụ số cũng là trọng điểm của kế hoạch lần này khi chính phủ cùng với lĩnh vực tư nhân sẽ cung cấp khoản tài chính trị giá 140 triệu RM. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở một nhà ga đường sắt trên cao ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 4/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin sẽ cấp cho các doanh nghiệp khoản đầu tư cố định mới 300-500 triệu RM với mức thuế suất 0% trong 10 năm, trong khi các doanh nghiệp đầu tư cố định mới từ 500 triệu RM trở lên sẽ được hưởng mức thuế suất 15% trong 15 năm.

Đây là gói kích thích kinh tế thứ 3 mà Chính phủ Malaysia đưa ra nhằm khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra. 

Liên quan tới tình hình dịch COVID-19 trong nước, Bộ Y tế Malaysia cùng ngày thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 19 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc lên 8.266 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 16 ca. Đây là lần đầu tiên quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm trường hợp tử vong trong ngày kể từ ngày 22/5 vừa qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu hỏa ở Singapore ngày 3/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia: Các khách sạn chuẩn bị đón khách trở lại

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng dịu bớt, một số chủ khách sạn tại Campuchia cho biết sẽ sớm mở cửa trở lại khi các đường bay quốc tế dự kiến từng bước được nối lại kể từ giữa tháng Sáu này. Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Campuchia (CHA) Clais Chenda cho biết hiệp hội đã bàn bạc với các thành viên và họ khẳng định sẽ sớm mở lại các khách sạn. 

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định dù số trường hợp nhiễm COVID-19 có vẻ giảm, nhưng hoạt động kinh doanh khách sạn khó có thể hồi phục nhanh chóng. Kinh doanh khách sạn ở Campuchia chủ yếu phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế, vì lượng khách nội địa quá ít để các khách sạn có thể duy trì hoạt động.

Chú thích ảnh
Hành khách và tài xế xe tuktuk đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Những người làm việc trong ngành du lịch Campuchia cho rằng du lịch nội địa sẽ mất một thời gian dài điêu đứng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi và sự hồi phục hoàn toàn của ngành này (dự kiến vào năm 2023) sẽ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khách nước ngoài. Chính vì vậy, họ kiến nghị chính phủ cần sẵn sàng chào đón khách quốc tế bằng cách lập kế hoạch phục hồi và kế hoạch phát triển thị trường nội địa.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thủ tướng Canada Trudeau quỳ gối biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc
Thủ tướng Canada Trudeau quỳ gối biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có hành động gây bất ngờ khi quỳ gối giữa đoàn người tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu Mỹ George Floyd.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN