Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 15/6: Ca tử vong cao kỷ lục tại Indonesia, Thái Lan sẽ không cách ly du khách nước ngoài

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 1.762 ca mắc bệnh COVID-19. "Điểm nóng" Indonesia trải qua một ngày có số ca tử vong cao kỷ lục, trong khi Thái Lan đẩy mạnh kế hoạch mở cửa đón người nước ngoài nhập cảnh mà không cần cách ly 14 ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên khử trùng rạp chiếu phim tại Bangkok, Thái Lan ngày 1/6/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 23 giờ 59 phút ngày 15/6, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 119.068 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.509 ca tử vong, tăng 74 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 62.147 trường hợp.

Trong ngày 15/6, Indonesia vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Nước này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới và lập kỷ lục về số ca tử vong theo ngày, với 64 ca. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Indonesia đã gần bằng Singapore, còn số ca tử vong thì cao gấp hơn 8 lần.

Trong khi đó, tình hình virus lây lan có xu hướng dịu bớt tại Singapore. Đảo quốc sư tử chỉ còn ghi nhận trên 200 ca nhiễm mới và tiếp tục không có ca tử vong nào trong ngày.

Một loạt các quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 15/6.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 15/6
Quốc gia Tổng ca nhiễm Ca nhiễm mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Singapore 40.818 214 26 0 29.589
Indonesia 39.294 1.017 2.198 64 15.123
Philippines 26.420 490 1.098 10 6.252
Malaysia 8494 41 121 0 7.400
Thái Lan 3.135 0 58 0 2.987
Việt Nam 334 0 0 0 323
Myanmar 261 0 6 0 167
Brunei 141 0 2 0 138
Campuchia 128 0 0 0 125
Timor Leste 24 0 0 0 24
Lào 19 0 0 0 19
Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ 2, trái sang) kiểm tra khu vực bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia: Số ca tử vong trong ngày cao nhất 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Indonesia công bố ngày 15/6, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.017 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 64 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ đại dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới con số lần lượt là 39.294 ca và 2.198 ca. Số người bình phục hiện là 15.123 ca. 

Tuy vậy, Indonesia vẫn bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch. 2.702 binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai tại các trung tâm mua sắm tại thủ đô Jakarta và 4 thành phố vệ tinh trong ngày 15/6 -  ngày đầu các địa điểm này được mở cửa trở lại. Quân đội và cảnh sát không chỉ bảo vệ bên ngoài các trung tâm mua sắm mà còn được giao nhiệm vụ đảm bảo thực thi các biện pháp y tế phòng chống COVID-19 bên trong các địa điểm này.

Indonesia cũng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại lĩnh vực du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia cho biết 4 quốc gia đầu tiên mà nước này hướng tới mở cửa du lịch là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Đây là những nước có đầu tư lớn tại Indonesia cũng như đóng góp nhiều cho doanh thu du lịch tại "xứ vạn đảo".

Chú thích ảnh
Một khu chợ truyền thống ở Indonesia trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: AP 

Thái Lan lên kế hoạch đón khách nước ngoài

Dự kiến có khoảng 1.000 người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Thái Lan mỗi ngày mà không phải cách ly 14 ngày theo một kế hoạch chuẩn bị được trình lên Trung tâm Kiểm soát tình hình dịch COVID-19 (CCSA).

Theo Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, bà Traisuree Taisaranakul, những người nước ngoài trên chủ yếu là doanh nhân, bệnh nhân, người đến Thái Lan theo thỏa thuận hợp tác du lịch song phương giữa Thái Lan và một số quốc gia nhất định đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.

Theo bà Traisuree, nhiều diện du khách khác sẽ được cho phép nhập cảnh Thái Lan nếu chương trình thúc đẩy du lịch thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 bắt buộc phải thực hiện trước khi du khách xuất cảnh khỏi nước sở tại và tại thời điểm nhập cảnh vào Thái Lan. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người nước ngoài có thể di chuyển tự do ở Thái Lan bởi họ sẽ bị cấm đến một số địa phương nhất định và bị giám sát bởi một phần mềm điện thoại thông minh. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 15/6, Thái Lan không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào, đánh dấu ngày thứ 21 không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Kể từ đầu năm đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.135 ca COVID-19, trong đó có 2.444 ca lây nhiễm trong nội địa và 198 ca là người từ nước ngoài trở về và được cách ly. Quốc gia Đông Nam Á này đã điều trị thành công cho 2.987 bệnh nhân COVID-19, nhưng cũng đã ghi nhận 58 trường hợp tử vong.

Ngày 15/6 cũng đánh dấu Thái Lan bước vào giai đoạn 4 nới lỏng phong tỏa cùng với việc lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ và nhiều hoạt động trong danh mục nguy cơ cao nhất được nối lại, mặc dù Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực. 

Tại Philippines, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 26.420 ca sau khi ngày 15/6, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 490 ca nhiễm SARS-CoV-2. Số người tử vong trong ngày là 10 người, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên tới 1.098 ca. 

Cùng ngày, Malaysia thông báo có 41 ca nhiễm mới, khiến tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.494 ca. Hiện số ca tử vong vẫn duy trì ở con số 121 ca. 

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ AirAsia Group cho biết bắt đầu khôi phục toàn bộ các đường bay nội địa kể từ ngày 15/6, theo hướng dẫn của chính phủ nước này về nới lỏng các biện pháp hạn chế thời kỳ dịch bệnh COVID-19. AirAsia chủ trương chuyển hướng vận tải hàng hóa trong thời gian tới như một giải pháp ứng phó với tình trạng nhu cầu đi lại sụt giảm và đường bay quốc tế chưa được khôi phục. 

Chú thích ảnh
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia nối lại toàn bộ các đường bay nội địa, với đầy đủ công suất. Ảnh: Bloomberg 

Tuần trước, chính phủ Malaysia đã cho phép nối lại giao thông liên bang như một phần trong kế hoạch khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Malaysia đã tuyên bố đã kiểm soát thành công dịch COVID-19. 

Singapore: Dự báo kinh tế giảm 5,8% trong năm 2020

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sáng 15/6, Cơ quan Tiền tệ Singapore công bố dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 5,8% trong năm nay, đảo ngược hoàn toàn so với dự đoán tăng trưởng 0,6 % của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó.

Những lĩnh vực chịu tác động tồi tệ nhất của dịch COVID-19 là bán buôn và bán lẻ, dịch vụ cho thuê văn phòng, dịch vụ kinh doanh ăn uống và tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng có chút lạc quan về các lĩnh vực khác. Lĩnh vực sản xuất được dự báo tăng trưởng 2,2% trong năm 2020, so với mức giảm 0,3% dự đoán trước đó. Lĩnh vực tài chính và bảo hiểm được cho là đạt 3,1%, so với 2,6% dự đoán trước đó.

Hiện tại, Singapore đã sẵn sàng cho sự suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử với dự báo tăng trưởng năm 2020 từ -4 đến -7%. Tăng trưởng GDP của Singapore dự kiến sẽ phục hồi ở mức 4,8% vào năm 2021.

Chú thích ảnh
Nhân viên tẩy vết băng dính dán trên bàn để chuẩn bị mở cửa lại nhà hàng ở Lau Pa Sat, Singapore, ngày 15/6/2020. Ảnh: Straits Times 

Trong khi đó, ngày 15/6 Lực lượng Phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 cho biết Singapore đang chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 mở cửa lại kể từ thứ Sáu, 19/6, tuần này, khi một loạt biện pháp hạn chế được nới lỏng nhằm cho phép nối lại thêm nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Người dân có thể tham gia các hoạt động xã hội theo nhóm lên tới 5 người và mỗi hộ gia đình có thể tiếp tối đa 5 người khách cùng lúc.

Tuy vậy các cá nhân vẫn phải tuân thủ giãn cách xã hội ít nhất 1 mét so với người khác. Tại các nhà hàng, mỗi bàn ăn chỉ được phép tối đa 5 người ngồi cùng. Cửa hàng bán lẻ, công viên, cơ sở công cộng như sân vận động, bể bơi, sân golf, phòng tập gym cũng sẽ được mở cửa trở lại.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thủ đô Bắc Kinh kích hoạt các biện pháp 'thời chiến' nhằm ngăn ổ dịch mới lây lan
Thủ đô Bắc Kinh kích hoạt các biện pháp 'thời chiến' nhằm ngăn ổ dịch mới lây lan

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và tiến hành xét nghiệm đại trà sau khi một ổ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bùng phát tại khu chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất thành phố dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN