Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 12/6: Singapore huỷ giải đua F1, Thái Lan dỡ giới nghiêm

Trong 24 giờ qua các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 2.224 ca mắc bệnh COVID-19. "Điểm nóng" Indonesia có số ca nhiễm mới vọt lên trên 1.100, trong khi Singapore buộc phải huỷ giải đua Công thức 1 được chờ đợi, và Thái Lan dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.

Chú thích ảnh
Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một rạp chiếu phim ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 23 giờ 59 phút ngày 12/6, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 113.507 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.310 ca tử vong, tăng 65 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 56.902 trường hợp.

Trong ngày 12/6, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả số ca tử vong và số ca nhiễm virus mới.  Tình hình dịch bệnh chỉ còn diễn biến đáng ngại ở hai quốc gia khác là Singapore và Philippines, trong khi nhóm các nước còn lại không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 12/6
Quốc gia Tổng ca mắc Ca nhiễm mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Singapore 39.850 463 25 0 27.286
Indonesia 36.406 1.111 2.048 48 12.213
Philippines 24.787 612 1.052 16 5.454
Malaysia 8.402 33 119 1 7.168
Thái Lan 3.129 4 58 0 2.987
Việt Nam 332 0 0 0 298
Myanmar 261 1 6 0 165
Brunei 141 0 2 0 138
Campuchia 126 0 0 0 125
Timor Leste 24 0 0 0 24
Lào 19 0 0 0 19

Thái Lan dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa chấp thuận dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời cho phép hầu hết dịch vụ quay hoạt động bình thường trở lại trừ các điểm giải trí.

Chú thích ảnh
Nhân viên chào khách hàng tại lối vào một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan, ngày 17/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của Trung tâm xử lý tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Thủ tướng Chan-o-cha lãnh đạo. Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đã nhất trí với các đề xuất và khẳng định đã xem xét kỹ lưỡng trước khi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6 tới. Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh thêm chính phủ nước này vẫn tiếp tục duy trì sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó tốt hơn với đại dịch COVID-19.

Thái Lan ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm kể từ ngày 3/4 năm nay, theo đó người dân sẽ bị cấm ra khỏi nhà từ 10h tối hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau. Giờ giới nghiêm được rút ngắn lại 1 tiếng sau khi tình hình dịch bệnh tại Thái Lan tiến triển khả quan. 

Quốc gia Đông Nam Á này không ghi nhận ca bệnh mới nào mắc COVID-19 trong cộng đồng trong 17 ngày qua. Tất cả các ca nhiễm mới gần đây đều là những người trở về từ nước ngoài và đều được cách ly. Tính tới ngày 12/6, Thái Lan đã điều trị khỏi cho 95% trong tổng số 3.129 bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên đường phố tại Thái Lan ngày 19/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt, Thái Lan thông báo sẽ mở cửa đối với du khách quốc tế đến từ các nước có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức tương đối thấp, nhằm vực dậy ngành du lịch vốn chịu tổn thất nặng nề do đại dịch.

Theo đó, người dân đến từ các nước có mức độ lây nhiễm virus tương đồng nhập cảnh vào Thái Lan sẽ không cần thực hiện quy định cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày, nhưng cần hoàn tất "kiểm tra y tế" trước và sau khi đến Thái Lan. Tuy nhiên, Thái Lan hiện chưa đưa ra thời điểm cho việc thực hiện kế hoạch trên. Trong vài ngày tới, các quan chức y tế và du lịch sẽ thảo luận để vạch ra những bước đi tiếp theo.

Indonesia: Ca nhiễm mới vọt lên 4 con số

Cùng ngày, giới chức y tế Indonesia thông báo có thêm 1.111 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 và 48 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại đây lên lần lượt là 36.406 và 2.048. Nước này có thêm 577 bệnh nhân COVID-19 phục hồi, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 13.213. Ngoài ra, tính đến ngày 12/6, Indonesia đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tổng cộng 302.147 người.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Sibreh, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 11/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore huỷ cuộc đua F-1 vì COVID-19 

Tờ Straits Times ngày 12/6 cho biết Giải đua xe Công thức 1 Singapore Grand Prix, dự kiến diễn ra vào ngày 20/9 năm nay, đã bị huỷ bỏ do những hạn chế phòng dịch COVID-19. 

Giải Công thức 1 Singapore GP là một trong những điểm sáng trong lịch thi đấu thể thao tại Singapore và từ lâu được người hâm mộ trông đợi. 

Chú thích ảnh
Ban tổ chức giải đua Công thức 1 Singapore Grand Prix cho biết không thể xúc tiến tổ chức giải do các hạn chế phòng dịch COVID-19. Ảnh: Straits Times

Ban tổ chức giải cho biết không thể xúc tiến tổ chức cuộc đua do những hạn chế liên quan đến công tác xây dựng các địa điểm phục vụ giải. Hoạt động xây dựng quanh đường đua dài 5.063km bên Vịnh Marina, thông thường bắt đầu từ tháng 5, sẽ không thể kịp hoàn tất đúng thời gian trong vòng 3 tháng.

Ngoài ra, giải Singapore GP cũng vấp phải các thách thức khác như lệnh cấm tụ tập đông người và các hạn chế đi lại quốc tế do dịch COVID-19. Được biết, 40% khách mua vé xem giải là người nước ngoài.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi người lao động quay trở lại làm việc tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia: Nhiều thánh đường mở cửa lại sau 3 tháng

Ngày 12/6, Malaysia ghi nhận 33 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, đều là người trở về từ Ấn Độ. Nước này cũng có thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng lên con số 119.

Trong khi đó, cùng ngày nhiều thánh đường Hồi giáo trên khắp đất nước đã mở cửa đón tín đồ tham dự lễ cầu nguyện thứ Sáu đầu tiên trong vòng 3 tháng, kể từ khi các lệnh hạn chế được áp đặt vào ngày 18/3. Những thánh đường này đều phải nằm trong các "Vùng xanh" - tức là những khu vực không còn ca bệnh COVID-19. Các tín đồ dự lễ phải tuân thủ giãn cách xã hội là 2-3 mét.

Chú thích ảnh
Tín đồ Hồi giáo dự lễ cầu nguyện thứ Sáu, 12/6 tại nhà thờ Masjid Putra, ở Putrajaya, Malaysia. Ảnh: BERNAMA

Campuchia nhận hỗ trợ hồi phục kinh tế hậu COVID-19

Liên minh châu Âu (EU) và thể chế tài chính của khối đang huy động khoảng 503 triệu USD dưới dạng các khoản cho vay và tài trợ để hợp tác cùng Campuchia chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giảm nhẹ các tác động kinh tế-xã hội từ đại dịch.

Báo Phnom Penh Post ngày 12/6 dẫn thông cáo báo chí của EU cho biết khối này sẽ hợp tác cùng Campuchia để thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế và tạo công ăn việc làm. Kế hoạch bao gồm việc tăng cường cho những khu vực trọng yếu của nền kinh tế, đầu tư công phát triển kinh tế, sử dụng năng lượng hiệu quả và khôi phục môi trường xanh.

 

Chú thích ảnh
Xe chở người lao động trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm nghìn công nhân may mặc và lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch và khách sạn, vốn sử dụng tới 620.000 lao động. Hiện ở Campuchia có khoảng 256 nhà máy sản xuất hàng may mặc, giày dép và đồ lữ hành đang phải ngừng hoạt động vì dịch COVID-19, ảnh hưởng đến hơn 130.000 công nhân. Khoảng 169 công ty hoạt động trong ngành du lịch cũng phải đóng cửa tạm thời, đẩy 16.891 lao động vào cảnh thất nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ít nhất 1,76 triệu việc làm ở Campuchia đang đứng trước rủi ro vì dịch COVID-19. Sự suy giảm của những ngành kinh tế chủ chốt như du lịch, sản xuất và xây dựng không chỉ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Campuchia mà còn khiến tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên gần 20%.

Ngoài ra, do tác động của dịch COVID-19, lượng kiều hối của Philippines năm 2020 có thể giảm 5% so với năm 2019. WB ước tính lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm 20% trong năm nay, với dòng tiền chuyển về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến giảm 13%, chủ yếu do nguồn kiều hối lớn nhất từ Mỹ chuyển về  khu vực này suy giảm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu điện tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN
Thu Hằng/Báo Tin tức
Tạo lan tỏa trong phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19
Tạo lan tỏa trong phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19

Đảm bảo thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế; triển khai các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch; tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN