Singapore vẫn là nước ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong 24 giờ qua và là quốc gia có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á. Đứng sau Singapore là Indonesia (9.771 ca) và Philippines (8.212 ca).
Lào và Timor-Leste có số ca mắc COVID-19 thấp nhất khối, lần lượt là 19 và 24 ca.
Việt Nam, Campuchia và Brunei không ghi nhận ca bệnh nào trong 24 giờ qua. Các ca mắc ở ba nước này vẫn ở mức dưới 300.
Biểu đồ so sánh ca mắc và tử vong ở ASEAN (số liệu ngày 29/4):
Ngày 29/4, Indonesia thông báo ghi nhận 260 ca mắc COVID-19. Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Indonesia là 9.771, trong đó có 784 trường hợp tử vong. Trong số những ca tử vong có Thị trưởng thành phố Tanjungpinang thuộc tỉnh Quần đảo Riau, ông Syahrul – người đã qua đời hôm 28/4 sau nhiều tuần điều trị tích cực tại bệnh viện. Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của tỉnh Quần đảo Riau, ông Tjetjep Yudiana xác nhận rằng ông Syahrul, 59 tuổi, đã qua đời lúc 16 giờ 45 phút (giờ địa phương).
Theo ông Yudiana, Thị trưởng Syahrul nhập viện lần đầu ngày 11/4 với triệu chứng khó thở. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy ông này dương tính với SARS-CoV-2. Vợ, cháu và bác sĩ riêng của ông Syahrul cũng xét nghiệm dương tính với virus này và đang được điều trị tích cực. Ông Syahrul là lãnh đạo địa phương thứ hai ở Indonesia tử vong do nhiễm SARS-CoV-2. Hôm 2/4, ông Aptripel Tumimomor, huyện trưởng huyện Bắc Morowali thuộc tỉnh Trung Sulawesi cũng qua đời sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện.
Trong khi đó, Quân đội Indonesia (TNI) chuẩn bị ứng phó với mọi bất ổn xã hội tiềm tàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã buộc hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động và khiến hàng triệu người mất việc. Phát ngôn viên của TNI, Thiếu tướng Sisriadi cho biết lực lượng này đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng an ninh nhằm đối phó với tình huống xấu nhất.
Ngày 29/4, trao đổi với tờ Jakarta Post, ông Sisriadi tiết lộ rằng TNI đã đề xuất một gói ngân sách cho các kế hoạch dự phòng của mình thông qua Bộ Quốc phòng và gói ngân sách này đã được trình lên Ủy ban I (giám sát các vấn đề quốc phòng và an ninh) thuộc Hạ viện. Tuy không tiết lộ thêm chi tiết, song ông Sisriadi cho biết TNI sẽ có đủ kinh phí để đối phó với tình trạng bất ổn an ninh tiềm tàng trong 5 tháng nếu đề xuất ngân sách được phê duyệt, trong đó có việc hợp tác với Cảnh sát Quốc gia trong các hoạt động an ninh, đảm bảo trật tự công cộng và thực thi pháp luật.
Kết quả nghiên cứu của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) cho thấy 67,7% các cuộc trao đổi trên mạng xã hội Indonesia có ý kiến tiêu cực về chính sách xử lý đại dịch COVID-19 của chính phủ, từ lệnh cấm người dân nghỉ lễ về quê (Mudik), hạn chế hoạt động xã hội quy mô lớn (PSBB) đến chương trình thẻ việc làm.
Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 29/4 thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mức 8.000. Theo thông báo của bộ này, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 254 ca mắc COVID-19 và 28 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 8.212 ca mắc COVID-19, trong đó có 558 người tử vong. Philippines có thêm 48 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên thành 1.023 người.
Trong 24 giờ qua, Singapore cũng ghi nhận 690 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 15.641. Hầu hết các ca mắc COVID-19 mới tại Singapore là lao động nhập cư sống trong các khu tập thể. Hiện Singapore là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Bộ Y tế Malaysia xác nhận trong 24 giờ qua, nước này có 94 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 5.945. Số ca tử vong hiện vẫn là 100.
Ngày 29/4, Thái Lan xác nhận 9 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng không có trường hợp tử vong nào. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức một con số.
Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.947 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan đã chữa khỏi bệnh cho 2.665 trường hợp mắc COVID-19, trong khi còn 228 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.
Giới chức y tế Thái Lan đã khuyến cáo các bệnh viện tư không nên lập các trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại những khu vực đông đúc để tránh làm lây lan thêm và biến trạm sàng lọc thành một điểm nóng lây nhiễm. Khuyến cáo này được đưa ra sau khi có thông tin một số bệnh viện đã lập các trạm xét nghiệm bên ngoài các trung tâm mua sắm và cây xăng.
Trước đó, ngày 28/4, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản hỗ trợ tài chính với mức 5.000 baht (150 USD)/tháng trong vòng 3 tháng đối với 10 triệu hộ nông dân, đồng thời quyết định tăng số lượng lao động tự do, bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được hưởng trợ cấp, từ 14 triệu người lên 16 triệu người.
Tại Campuchia, thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ngày 28/4 cho biết Chính phủ Mỹ cam kết tài trợ thêm 1,5 triệu USD hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống COVID-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ cam kết tài trợ cho Campuchia tổng cộng 3,5 triệu USD chống COVID-19 thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Hãng thông tấn Campuchia AKP cùng ngày cho biết Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy thông báo khoản kinh phí hỗ trợ bổ sung này là để giúp hệ thống y tế Campuchia theo dõi bệnh, điều trị cho những người bị bệnh và ngăn ngừa bệnh lây lan.
Nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Campuchia vẫn được coi là ở mức độ “đáng báo động” và xác suất lây nhiễm không hề thấp, dù tính đến ngày 29/4, Campuchia đã bước sang ngày thứ 17 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.
Tính đến ngày 27/4, Viện Y tế công và Viện Pasteur Campuchia đã xét nghiệm 11.576 mẫu bệnh phẩm và phát hiện 122 ca mắc COVID-19, trong đó 119 bệnh nhân đã bình phục. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho rằng Campuchia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch và một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo bà Or Vandine, đánh giá này dựa trên tình hình một bộ phận người dân Campuchia đang tỏ ra chủ quan và lơ là các biện pháp phòng chống dịch. Bà cảnh báo rằng nhiều người dân Campuchia hiện đang đi lại rất tự do, tới chợ, siêu thị và các nhà hàng mà không thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời đề nghị người dân tiếp tục có các biện pháp vệ sinh phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.