Tình hình COVID-19 hết ngày 13/6 tại ASEAN: Indonesia có trên 1.000 ca mắc mới; Thái Lan kích cầu du lịch nội địa

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 13/6, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 115.493 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 3.376 ca tử vong. 

Trong ngày 13/6, ASEAN có 2.015 ca mắc COVID-19 và 66 ca tử vong. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khối về số ca mắc và tử vong trong ngày, lần lượt là 1.014 và 43 ca. 

Philippines và Singapore là hai nước ghi nhận số ca mắc trong ngày ở mức ba con số, lần lượt là 605 và 347 ca. Philippines cũng có 22 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Tình hình dịch tại Malaysia và Thái Lan nhìn chung ổn định khi ca mắc COVID-19 ở mức thấp, lần lượt là 43 và 5 ca.

Indonesia: Tỉnh Tây Java kéo dài cách ly xã hội 

Chú thích ảnh
 Khu vực bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền tỉnh Tây Java đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn đến ngày 26/6 sau khi các ca nhiễm mới gia tăng đột biến trong tuần qua. Quyết định trên sẽ có hiệu lực trên toàn tỉnh, ngoại trừ 3 thành phố vệ tinh thuộc khu vực Đại Jakarta là Bogor, Depok và Bekasi, nơi các biện pháp này sẽ được duy trì tới ngày 2/7.

Thống đốc Ridwan Kamil cho biết chính quyền đã quyết định không nới lỏng các biện pháp giám sát COVID-19, bất chấp việc tỉnh này trước đó công bố 10 khu vực màu vàng và 17 khu vực màu xanh. Các khu vực vàng được phép gia tăng các hoạt động kinh tế lên khoảng 60% mức bình thường, song phải duy trì các giao thức y tế nghiêm ngặt.

Trong khi đó, các khu vực xanh được phép mở lại tất cả các cơ sở công cộng và thương mại nhưng không được tập trung đông người. Thống đốc Ridwan cho biết các chợ truyền thống là địa điểm có nguy cơ lây lan virus cao. Dự kiến, Tây Java sẽ tiến hành các đợt xét nghiệm nhanh tại 700 chợ trên toàn tỉnh, với sự tham gia hỗ trợ của lực lượng cảnh sát và quân đội.

Cũng theo Thống đốc Ridwan, chính quyền địa phương vẫn chưa quyết định mở lại các trường học và nơi vui chơi giải trí do lo ngại rằng các địa điểm này sẽ trở thành các ổ dịch mới trong làn sóng lây nhiễm thứ hai như tại Hàn Quốc.

Chú thích ảnh

Theo các số liệu mới nhất, Indonesia ghi nhận 37.420 ca nhiễm sau khi có 1.014 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Số ca tử vong hiện là 2.091.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể suy giảm 3,9% trong năm nay nếu nước này chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Đây sẽ là lần đầu tiên kinh tế Indonesia suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. 

Báo cáo của OECD nhấn mạnh con đường đầy chông gai phía trước của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm cách phục hồi kinh tế bằng cách mở lại một số lĩnh vực sau hơn hai tháng phong tỏa một phần.

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt 2,8% trong năm nay nếu tránh được làn sóng lây nhiễm thứ hai. OECD cho rằng nguy cơ lớn đối với Indonesia là sự tái bùng phát dịch trong nửa cuối năm nay, dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp ngăn chặn tương ứng. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ 2 trái) kiểm tra khu vực bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Joko Widodo gần đây cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt sau khi nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn tại một số khu vực. 

Chính phủ Indonesia vừa cấp phép sản xuất và lưu hành hai mẫu máy thở nội địa đầu tiên, phục vụ điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Ngày 12/6, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và sáng tạo thuộc Lực lượng Đặc trách chống COVID-19 (TFRIC-19) của Chính phủ Indonesia, ông Soni Solistia Wirawan cho biết hai mẫu máy thở nói trên do Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng công nghệ (BPPT) hợp tác với 3 công ty trong nước sản xuất. Ông Wirawan cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng mẫu thiết kế của châu Âu, nhưng đã thay thế các vật liệu và linh kiện sản xuất trong nước cho hai mẫu máy thở cầm tay này. 

Cũng theo ông Wirawan, Chính phủ Indonesia đã hỗ trợ các nghiên cứu sản xuất máy thở để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo dự báo, Indonesia cần ít nhất 70.000 máy thở để điều trị bệnh nhân COVID-19, trong khi các bệnh viện trên khắp cả nước hiện chỉ có khoảng 7.000 máy.

Tăng trưởng Campuchia năm 2020 có thể thấp nhất do COVID-19 

Chú thích ảnh
Xe chở người lao động trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 14/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết kinh tế nước này được dự đoán sẽ sụt giảm xuống 1,9% năm 2020 do dịch COVID-19.

Theo tin tức địa phương, trong thông tư về kế hoạch ngân sách 2021-2023, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: "Kinh tế Campuchia năm 2020 được dự đoán sẽ sụt giảm xuống 1,9%, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nước này". Ông cho hay do COVID-19, quốc gia Đông Nam Á này đã chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng về nhu cầu từ các đối tác thương mại. Tăng trưởng của Campuchia chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu hàng may mặc và giầy dép, du lịch, xây dựng, kinh doanh bất động sản và nông nghiệp, song do đại dịch này nên xuất khẩu hàng may mặc, giầy dép và du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu trong cuộc họp báo tại Phnom Penh, Campuchia ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng lạc quan rằng kinh tế Campuchia sẽ phục hồi trở lại ở mức 3,5% trong năm 2021 nhờ sự hồi phục dần dần của kinh tế toàn cầu và nhu cầu bên ngoài.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo này nhận định, lạm phát ở Campuchia dự đoán sẽ ở mức có thể kiểm soát được là 2,8% trong năm 2020 và tăng nhẹ lên 3,1% năm 2021 do giá dầu quốc tế được cho là sẽ tăng.

Thái Lan kích cầu nội địa để hồi sinh ngành du lịch

Chú thích ảnh
Khách du lịch thăm Hoàng Cung ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 2/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Thái Lan sẽ tung ra một chương trình kích cầu trị giá 20 tỉ baht (gần 650 triệu USD) nhằm hồi sinh ngành du lịch - một trong những động lực tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này trong những năm gần đây. 

Kế hoạch trên là một phần trong những nỗ lực nhằm đạt được chỉ tiêu doanh thu từ du lịch trong năm 2020 là 1.230 tỉ baht, sau khi thu được 520 tỉ baht trong 5 tháng đầu năm nay. Trong số này, dự kiến 402 tỉ baht sẽ đến từ du lịch nội địa và 828 tỉ baht từ chi tiêu của du khách quốc tế.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết các chi tiết cuối cùng của gói kích thích du lịch nói trên, bao gồm những lợi ích từ việc đặt phòng khách sạn và giá vé máy bay, sẽ được trình lên Nội các Thái Lan thông qua vào tuần tới. 

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan hy vọng sẽ kích thích được 100 triệu hành trình du lịch nội địa trong bối cảnh thị trường quốc tế hồi phục chậm. Du khách trong nước trên 20 tuổi đăng ký tham gia thông qua một ứng dụng trên điện thoại sẽ nhận được phiếu thanh toán điện tử để được hưởng những lợi ích khi đặt phòng khách sạn hoặc mua vé máy bay từ những hãng hàng không tham gia chương trình trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 tới. Chính phủ sẽ trợ cấp 40% chi tiêu với mức tối đa 3.000 baht/người, với thời gian lưu trú tại khách sạn không quá 5 đêm. Dự kiến sẽ có 5 triệu phòng khách sạn tham gia chương trình, trong khi giá vé máy bay sẽ được giảm 40%.

Ngoài ra, một gói kích thích du lịch khác cũng được thiết kế dành cho 1,2 triệu người là nhân viên y tế, tình nguyện viên y tế làng xã và những nhân viên chăm sóc sức khỏe địa phương. Những người này sẽ được nhận một chuyến đi miễn phí với kinh phí 2.000 baht/người.

Về du lịch quốc tế, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan ngày 12/6 đã thông qua trên nguyên tắc đề xuất của Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul về “bong bóng du lịch” với những nước và vùng lãnh thổ đã chứng tỏ được họ có thể kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Dự kiến, đề xuất cuối cùng về "bong bóng du lịch" sẽ được CCSA xem xét trong cuộc họp vào ngày 17/6 tới.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 6/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, Thái Lan kỳ vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở  nước này phải hứng chịu tác động của dịch COVID-19 ngay từ cuối tháng 1/2020. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 3, khi Chính phủ Thái Lan áp đặt các hạn chế về đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. 

Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng số các chuyến du lịch nội địa cũng giảm 58,2%, chỉ đạt 40,2 triệu hành trình, với doanh thu giảm 57,9% xuống còn 191 tỉ baht. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho thấy số lượng du khách quốc tế tới nước này đã giảm 60% trong 5 tháng đầu năm nay xuống còn 6,69 triệu lượt, trong khi doanh thu từ khách nước ngoài giảm 59,6% xuống mức 332 tỉ baht. Thái Lan đón gần 40 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019.

Singapore ghi nhận trên 40.000 ca mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu hỏa ở Singapore ngày 3/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 13/6, nước này đã ghi nhận 347 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 40.197 người. Tổng số ca tử vong là 25 người.

Trong số các ca nhiễm mới, có 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly.

Cho đến nay, Singapore đã có 28.040 người được chữa khỏi bệnh và xuất viện.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 11.000 ca nhiễm mới
Dịch COVID-19: Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 11.000 ca nhiễm mới

Theo worldometers.info, tính đến chiều 13/6 (giờ Việt Nam), Ấn Độ đã ghi nhận thêm gần 11.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 309.603 ca. Với 8.890 ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Anh trở thành nước có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN