Tình hình bán đảo Triều Tiên có thể "vượt tầm kiểm soát"

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 2/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng tình hình tại đây có thể "vượt ngoài tầm kiểm soát".

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Ảnh: AFP-TTXVN.



Phát biểu họp báo tại công quốc Andorra, ông Ban Ki-moon cho rằng "tình hình căng thẳng hiện nay đã đi quá xa" và kêu gọi các bên kiềm chế. Ông nhấn mạnh đàm phán và đối thoại là con đường duy nhất hiện nay mà các bên cần hướng tới, đồng thời khẳng định với vai trò là Tổng thư ký LHQ, ông sẽ nỗ lực ngăn chặn chiến tranh và theo đuổi hòa bình.


Trong tuyên bố tiếp theo gửi tới Triều Tiên, Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi Bình Nhưỡng tránh "đối đầu với cộng đồng quốc tế" sau khi khẳng định "không nước nào có ý định tấn công Triều Tiên vì những bất đồng về hệ thống chính trị hay chính sách ngoại giao". Tổng thư ký Ban Ki-moon cam kết sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn tình hình tiếp tục xấu đi.


Trước đó cùng ngày, giới lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ nối lại hoạt động tại tổ hợp hạt nhân Yongpien, vốn đã bị đóng cửa từ năm 2007 theo một thỏa thuận 6 bên để đổi lấy viện trợ lương thực cho nước này. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã lập tức bày tỏ "lấy làm tiếc" về tuyên bố này của Bình Nhưỡng, cho rằng hành động này (nếu xảy ra) sẽ vi phạm các thỏa thuận đàm phán 6 bên cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh kiên định theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo này cũng như toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.


Trong khi đó, hãng tin CNN ngày 1/4 dẫn lời quan chức giấu tên Lầu Năm Góc cho biết hải quân Mỹ đang di chuyển một hệ thống radar X-band tới vùng biển gần Triều Tiên để giám sát các động thái quân sự của Bình Nhưỡng. Hệ thống radar này được đặt trên tàu nổi tự hành có hình dáng như một dàn khoan dầu trên biển. Trước đó, Washington cũng đã có một loạt động thái gây sức ép tương tự khi đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất hiện nay F-22 tới các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ngoài ra, Mỹ cũng điều hai máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 tới Hàn Quốc tham gia sứ mệnh huấn luyện quân sự.


Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba hôm 12/2 để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng còn đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân và đơn phương hủy bỏ Hiệp định đình chiến năm 1953 tạm chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.


Trước những căng thẳng liên tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye dự định triệu tập cuộc họp với các bộ trưởng nội các liên quan đến vấn đề đối ngoại và an ninh trong ngày 2/4.



TTXVN/Tin tức
Triều Tiên ra lệnh quân đội không khai hỏa trước
Triều Tiên ra lệnh quân đội không khai hỏa trước

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã bí mật hạ lệnh cho các đơn vị quân đội ngoài tiền tuyến không khai hỏa trước trong bất kỳ trường hợp nào, để Hàn Quốc và Mỹ không có cớ thực hiện một cuộc “tấn công trả đũa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN