Trong hai tháng trở lại đây, mỗi ngày có hàng trăm người chết vì COVID-19 ở Rumani, quốc gia chịu ảnh hưởng năng nề nhất trong đợt dịch mới nhất ở Trung và Nam Âu – khu vực có độ che phủ vaccine thấp hơn nhiều so với vùng Tây Âu. Với dân số 19 triệu người, Rumani hiện là nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất tại châu Âu. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đã phải gửi một đội chuyên gia tới Rumani để giúp nước này đối phó với dịch bênh.
Quá tải và mệt mỏi, đội ngũ, bác sĩ, nhân viên y tế tại Rumani đang phải cố tìm cách chống chọi với tình hình. “Mỗi ngày lại có một làng biến mất khỏi Rumani . Vậy một tuần, một tháng thì sao? Sẽ là một làng lớn hơn, hay là cả một thành phố? Khi nào mọi chuyện mới dừng lại?”, bác sĩ Catalin Cirstoiu, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Đại học Bucharest nói về tình cảnh số ca tử vong lớn hàng ngày.
Giới chuyên gia nhận định số ca tử vong cao ở Rumani là do tỉ lệ tiêm chủng thấp. Mới chỉ có khoảng 40% dân số nước này hoàn thành tiêm chủng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 75% trong Liên minh châu Âu (EU). Tỉ lệ tiêm chủng thấp tại Rumani và rộng hơn là khu vực Trung, Đông Âu là hệ quả của nhiều nguyên nhân, như lòng tin vào chính quyền, thiết chế, hố ngăn cách giáo dục và các phong trào chống vaccine bám rễ sâu trong xã hội.
“Chúng tôi đã kiệt quệ, đuối sức cả về tài chính, tâm lý, sức khỏe. Mọi chuyện đến mức này suy cho cùng cũng chỉ là vì một nguyên nhân: Người dân không có khả năng thấu hiểu rằng họ cần phải được tiêm chủng”, ông Cirstoiu phàn nàn. Theo ông, nếu như đạt tỉ lệ tiêm chủng 70% dân số, Rumani đã tránh được làn sóng lây nhiễm thứ 4.
Thực trạng tiêm chủng vaccine thấp là do tâm lý thiếu tin tưởng của công chúng, cùng với đó là việc thiếu vắng các hoạt động giáo dục, chiến dịch tuyên truyền về tác dụng tích cực của tiêm vaccine. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện tại ở Rumani vì thế có thể được gọi là “làn sóng của những người chưa tiêm chủng”, bác sĩ Cristoiu bình luận.
Rumani ghi nhận số ca tử vong kỉ lục trong ngày 2/11 vừa qua, với 591 người thiệt mạng do COVID-19 và hơn 90% trong số này rơi vào những người chưa tiêm chủng. Hiện có khoảng gần 1.900 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các buồng chăm sóc tích cực (ICU). Còn tính từ đầu đại dịch đến nay, gần 5.1000 người Rumani đã thiệt mạng do nhiễm COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giới chức Rumani hai tuần trước đây đã áp đặt quy định chặt chẽ hơn về tiếp xúc, giãn cách để phòng chống lây nhiễm. Người dân bắt buộc phải trình chứng nhận tiêm chủng khi muốn tham gia một số hoạt động thường ngày như tới phòng gym, đi xem phim, mua sắm siêu thị… Lệnh giới nghiêm sau 10 giờ tối cũng đã được ban hành.
Quy định giới hạn được duy trì, nhưng thất bại trong chiến lược tiêm chủng vaccine thì vẫn lộ rõ khi các trường học bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 9/11. Hơn 30% số lớp học tại Rumani vẫn phải dạy trực tuyến, do tỉ lệ tiêm chủng ở một số trường học thấp.
Siết chặt hạn chế tiếp xúc, duy trì giãn cách giúp tỉ số ca tử vong do COVID-19 giảm nhẹ. Nhưng ngày 10/11, Rumani vẫn ghi nhận tới 487 ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2. Các bác sĩ cảnh báo tình trạng quá tải ở bệnh viện do bệnh nhân COVID-19 còn lâu mới chấm dứt.
Theo bác sĩ Maria Sajin, người phụ trách nhà xác tại Bệnh viện Đại học Bucharest, thông thường nhà xác mỗi ngày tiếp nhận 10 ca tử vong. Ngày 9/11 là 26 ca, trong đó có 14 ca là bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tuần trước, có ngày có tới 35 ca tử vong.
Bất lực trước số ca tử vong tăng vọt, những nhân viên nhà xác còn đau lòng hơn khi chứng kiến nhiều người bệnh trong số này còn rất trẻ, chỉ tầm 20-25 tuổi. Tiếng khóc của thân nhân được mời đi xác nhận thi thể vang vọng khắp hành lang, khi những nhân viên nhà tang lễ chuẩn bị quan tài để thiêu xác.
“Gia đình họ không hiểu tại sao người thân lại nhiễm bệnh. Và vấn đề lớn nữa là họ cũng không hiểu cần phải tiêm vaccine, rằng chưa có thuốc trị COVID-19 tuyệt đối. Đây là thời gian rất khó khăn, chẳng mấy người biết được rằng vaccine giúp cứu sống mạng người”, cô Sajin nói.