Tìm lối thoát cho Eurozone

Ngày 5/12, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã có cuộc họp quan trọng tại thủ đô Pari (Pháp) nhằm thảo luận về kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (phải) tại buổi họp báo sau cuộc gặp ngày 5/12.


Tại cuộc gặp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng đạt được sự đồng thuận về các đề xuất thay đổi các hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) nhằm củng cố các nguyên tắc ngân sách đã được thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh EU ở Brúcxen (Bỉ) hôm 1/12 vừa qua. Ông Sarkozy và bà Merkel đã cam kết đề xuất những thay đổi cho hiệp ước của EU nhằm tạo ra cái mà bà Merkel gọi là “một liên minh thuế quan châu Âu với các quy định nghiêm ngặt” trong khi ông Sarkozy gọi là “sự điều hành kinh tế thực sự”. Theo các nguồn tin, ông Sarkozy ủng hộ những quy định nghiêm ngặt hơn về ngân sách và trừng phạt các nước không tuân thủ, song ông phản đối mở rộng vai trò của Ủy ban châu Âu (EC) hoặc chủ nghĩa liên bang như Đức đề xuất.

Trước đó, Thủ tướng Merkel tuyên bố châu Âu đang chuẩn bị thành lập một liên minh ổn định, hay còn gọi là “liên minh tài khóa”, với sự giám sát ngân sách nghiêm ngặt để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone. Theo bà Merkel, liên minh này sẽ có vai trò như một “cái phanh” mới của châu Âu để “hãm” các nước khỏi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhận định EU “cần một liên minh tài chính bên cạnh một liên minh chính trị” để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone.

Dự kiến sau hội nghị thượng đỉnh Pháp - Đức nói trên, giới lãnh đạo EU sẽ có ba ngày để cân nhắc các đề xuất của hai nước này trước hội nghị thượng đỉnh EU tại Brúcxen và cuộc họp ban lãnh đạo ECB tại Frankfurt (Đức) vào ngày 8/12 tới. Theo Hiến pháp một số nước thành viên EU, các nước này sẽ phải tổ chức trưng cầu ý dân về bất cứ hiệp ước mới nào mà ông Sarkozy và bà Merkel đề xuất và quy trình này có thể trì hoãn việc thực thi các sửa đổi nếu được thông qua.

Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Pháp và Đức diễn ra trong bối cảnh Italia ngày 5/12 thông qua gói biện pháp khắc khổ nhằm tiết kiệm 20 tỷ euro (khoảng 27 tỷ USD) để trình quốc hội, gồm cắt giảm ngân sách, cải cách thuế và lương hưu. Cùng ngày, Thủ tướng Ailen Enda Kenny cũng thông báo cắt giảm ngân sách 3,8 tỷ euro sau khi cảnh báo công dân của mình phải chuẩn bị đối mặt với nhiều năm khó khăn kinh tế sắp tới. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết sẽ có hành động can thiệp nhằm bảo vệ các ngân hàng của châu Âu khỏi một cuộc đổ vỡ tín dụng.

H.H - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN