Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo về tâm lý xã hội của thanh niên Trung Quốc sử dụng internet năm 2024 do Viện Phát triển Fudan công bố gần đây, khi quyết định mua hang, giới trẻ hiện không chỉ xem xét giá trị đồng tiền của sản phẩm mà còn cân nhắc đến giá trị cảm xúc mà sản phẩm mang lại.
China Daily (Trung Quốc) dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Hong Yong tại Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc trực thuộc Bộ Thương mại, cho biết sự xuất hiện của xu hướng tiêu dùng cảm xúc là kết quả từ thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng
Theo ông Hong Yong, mọi người dần chuyển từ việc đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản sang theo đuổi nhu cầu được cá nhân hóa, hướng đến chất lượng và đa dạng. “10 sản phẩm bán chạy hàng đầu năm 2024" của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Taobao phản ánh thay đổi này, với hơn một nửa các mặt hàng liên quan đến giá trị cảm xúc.
Theo Global Times (Trung Quốc), doanh số bán thỏ đồ chơi giảm stress có giá khoảng 5 nhân dân tệ đã vượt mốc 100.000 con trong năm 2024, trong khi nhiều ốp lưng điện thoại di động và áo phông in chữ xoa dịu cảm xúc cũng trở nên phổ biến. Khi Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) trở thành nhóm tiêu dùng chính, họ đang mang đến nhu cầu mạnh mẽ hơn liên quan đến thỏa mãn về mặt cảm xúc và niềm vui tinh thần.
Giáo sư Guan Jian tại Đại học Nankai (Trung Quốc) phân tích: “Mọi người ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và hướng đến tiêu dùng cảm xúc, đặc biệt là tiêu dùng tự làm hài lòng mang lại niềm vui”.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với giá trị cảm xúc đã thúc đẩy "nền kinh tế guzi" bùng nổ. Từ "guzi" (đồng âm với "goods" trong tiếng Anh), dùng để chỉ huy hiệu, mô hình đứng làm từ chất liệu acrylic, thẻ và các mặt hàng khác có các yếu tố văn hóa ACG (hoạt hình, truyện tranh và trò chơi).
Theo iiMedia Research, quy mô "nền kinh tế guzi" của Trung Quốc đã đạt 168,9 tỷ nhân dân tệ (22,98 tỷ USD) vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 308,9 tỷ nhân dân tệ vào năm 2029.
Một lập trình viên 30 tuổi có tên Li Jie khoe mô hình đứng làm từ chất liệu acrylic anh bóc được từ túi mù và hồ hởi nói: “Khoảnh khắc mua sản phẩm guzi, tôi cảm thấy vui như khi nhận được thông báo lương. Đặt các sản phẩm guzi tại nơi làm việc mang lại cho tôi cảm giác về sự đồng hành”.
Một số người tiêu dùng thậm chí tìm kiếm giá trị cảm xúc từ việc mua hàng hóa ảo. Anh Li Cheng, chủ một cửa hàng Taobao cho biết anh bán nhiều sản phẩm ảo để mọi người có thể gửi gắm điều ước về học tập, tình yêu, sự nghiệp...
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra những con đường mới cho tiêu dùng cảm xúc. XiaoZhi AI, chatbot AI do một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, ra mắt là ví dụ điển hình cho xu hướng này. XiaoZhi AI có thể phát hiện lo lắng thông qua phân tích giọng nói và chủ động đề xuất phát nhạc hoặc thiền. Nó cung cấp những trải nghiệm tương tác được cá nhân hóa và ghi nhớ sở thích cũng như thói quen cảm xúc của người dùng. Hiện tại, công ty đang đàm phán với các nhà sản xuất đồ chơi để tích hợp các tính năng của XiaoZhi AI vào đồ chơi và búp bê, giúp tình bạn ảo trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng “bạn đồng hành AI” có thể gây rủi ro, bao gồm vi phạm quyền riêng tư, an toàn nội dung, bẫy tiêu dùng và dẫn đến phụ thuộc về mặt cảm xúc. Giáo sư Shen Yang tại Đại học Thanh Hoa, khuyến nghị nên thiết lập các tiêu chuẩn nội dung và cơ chế đánh giá cho các sản phẩm tiêu dùng cảm xúc, thúc đẩy tính minh bạch của thuật toán và giảm rủi ro thao túng người dùng.