Tiết lộ chiến dịch kịch tính giải cứu 20 lính Anh đang nguy cấp ở Afghanistan

Một nhóm binh sĩ thuộc Quân đoàn Không quân Đặc biệt (SAS) của Anh đã bị lực lượng Taliban bao vây ở tỉnh Kandahar, Afghanistan, và được giải cứu trong một chiến dịch ngoạn mục trên sa mạc.

Chú thích ảnh
Tóm tắt chiến dịch giải cứu 20 lính SAS. Ảnh: Dailymail

Theo tờ Dailymail, khi Taliban chiếm tỉnh Kandahar, 20 binh sĩ SAS tinh nhuệ nói trên đang mắc kẹt ở tỉnh này, tại vị trí cách các lực lượng thân thiện hàng trăm kilomet.

Khi Taliban áp sát, họ gửi tín hiệu giải cứu khẩn cấp cho các chỉ huy SAS ở Anh. 

Tuy nhiên, họ không thể sử dụng sân bay Kandahar, vì nơi này đã bị Taliban chiếm giữ. Vì thế, nhóm binh sĩ SAS đã tìm đường tới một địa điểm bí mật trên sa mạc và ẩn náu tại đây. Tọa độ vị trí sau đó được truyền về cho trụ sở SAS bằng một loạt tin nhắn mã hóa.

Chiến dịch giải cứu đội SAS, một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới, là một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất trong quá trình phương Tây rút quân khỏi Afghanistan từ trước tới nay.

Trong chiến dịch, các tướng lĩnh Không quân Hoàng gia Anh, chịu trách nhiệm lên kế hoạch sơ tán công dân Anh và người Afghanistan đủ điều kiện từ sân bay ở Kabul, phải tìm một máy bay vận tải có thể hạ cánh, cất cánh trên sa mạc.

Chú thích ảnh
Thành viên đội tuần tra Taliban ở Kandahar. Ảnh: EPA

Vào đêm 18/8, các hệ thống theo dõi chuyến bay trực tuyến đã thấy một máy bay vận tải Hercules của Anh bay qua vùng Vịnh, sau đó tắt cảm biến Nhận diện Bạn hay Thù. Hành động này nhằm đảm bảo các radar theo dõi chuyến bay không thể theo dõi tuyến đường của máy bay về khu vực sa mạc – vị trí các binh sĩ SAS đã xác định là nơi có thể hạ cánh.

Chiếc máy bay đã hạ cánh ngoạn mục ngay giữa màn đêm. Phi hành đoàn phải đeo kính nhìn ban đêm kỹ thuật số.

Một nguồn tin kể lại: “Đó là một chiến dịch rất khẩn trương. Kandahar đã rơi vào tay Taliban ngày 13/8 và các binh sĩ đã ở sa mạc 5 ngày sau đó. Lực lượng Taliban rất đông và đã giết nhiều lính đặc nhiệm Afghanistan mà SAS đang cộng tác. Vì thế đây là sứ mệnh rất khẩn cấp. Nhờ phi hành đoàn chiếc Hercules từ Phi đội 47 mà máy bay đã hạ cánh thành công ban đêm trên địa hình khó khăn và cất cánh cùng toàn bộ 20 binh sĩ và trang thiết bị. 

Máy bay giải cứu xuất hiện trở lại sáng 19/8 trên hệ thống theo dõi chuyến bay khi nó bay tới một căn cứ quân sự quốc tế ở Dubai.

Sau chiến dịch giải cứu, chiếc C-130J này sẽ ngừng hoạt động theo kế hoạch tái tổ chức mới nhất của Không quân Hoàng gia Anh.

Đây là máy bay vận tải chiến thuật chính của lực lượng này, là xương sống của các hoạt động không vận của Anh từ khi phục vụ năm 1999. Máy bay có khả năng linh hoạt cao, có thể thả từ lính dù cho tới quân trang quân dụng dự trữ, có thể cất và hạ cánh trên các bề mặt tự nhiên, như sa mạc.

Để thực hiện các sứ mệnh này, phi hành đoàn chiếc Hercules phải có kỹ năng thành thạo về bay ở tầm thấp và được huấn luyện thực hiện các sứ mệnh này cả ban ngày và ban đêm.

Thông tin về vụ giải cứu được đưa ra khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị tổ chức họp với lãnh đạo các nước G7 trực tuyến để thúc đẩy Tổng thống Mỹ Joe Biden hoãn rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan để có thêm thời gian sơ tán mọi người. 

Chú thích ảnh
Các đợt sơ tán đang diễn ra ở sân bay tại Kabul. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey và Bộ trưởng phụ trách khu vực Trung Đông James Cleverly, Anh đang hối thúc Mỹ gia hạn các nỗ lực sơ tán so với thời hạn chót được đưa ra trước đó là ngày 31/8 tới, nhằm mục đích đưa được thêm nhiều người rời khỏi Afghanistan theo nguyện vọng.

Bộ trưởng Heappey cho biết khoảng 4.000 người đủ điều kiện đến Anh vẫn đang kẹt lại Afghanistan và chính phủ nước này muốn sơ tán hàng nghìn người nữa, nếu có thể. Anh muốn tăng gấp đôi số người được giải cứu ở Kabul lên 12.000 trong tuần này, nhưng Thủ tướng Anh cho rằng thành công của sứ mệnh phụ thuộc vào việc binh sĩ Mỹ kiểm soát sân bay ở Kabul.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo G7 trong ngày 24/8.

Mặc dù lãnh đạo các nước mong muốn nhưng ông Biden không cam kết, chỉ nói rằng ông hy vọng không kéo dài hạn chót hiện tại của mình. Ông đã cam kết với người dân Mỹ rằng bất kỳ người Mỹ nào muốn về nhà sẽ được về nhà, nhưng không nhắc tới các đồng minh.

Chú thích ảnh
Bên trong một máy bay sơ tán của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Biden ngày 22/8 nhấn mạnh Washington đang tiếp tục đạt được tiến bộ trong chiến dịch sơ tán công dân Mỹ cũng như các đồng minh Afghanistan rời khỏi quốc gia Trung Nam Á này. Ông cho biết các lực lượng chức năng của Mỹ đã mở rộng khu vực vành đai an toàn xung quanh sân bay Kabul nhằm đẩy nhanh công tác sơ tán các công dân Mỹ, những người Afghanistan dễ bị tổn thương và công dân các quốc gia đồng minh của Washington.

Tổng thống Biden xác nhận lực lượng Taliban đã hợp tác với những nỗ lực trên, song tình hình hiện nay ở thủ đô Kabul vẫn tiếp tục diễn biến nguy hiểm và thừa nhận những khó khăn trong việc đưa hàng chục nghìn người rời Afghanistan khi quốc gia này đang nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ hy vọng rằng các chuyến bay sơ tán sẽ kết thúc vào ngày 31/8, thời hạn cuối cùng để Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan.

Theo Nhà Trắng, Mỹ đã sơ tán khoảng 25.100 người ra khỏi Afghanistan, trong đó có 8.000 người được sơ tán trong 24 giờ qua. Chính quyền Mỹ đã kích hoạt Phi đội Không quân Dự bị Dân sự vào ngày 22/8, theo đó huy động các máy bay thương mại vào việc hỗ trợ đưa người Mỹ và các đồng minh Afghanistan cùng gia đình họ rời khỏi Afghanistan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
ISIS-K, tổ chức khủng bố đe dọa chiến dịch sơ tán của Mỹ tại Afghanistan
ISIS-K, tổ chức khủng bố đe dọa chiến dịch sơ tán của Mỹ tại Afghanistan

Rủi ro từ tấn công khủng bố nhằm vào người dân và binh sĩ Mỹ tại sân bay Kabul đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden phải thay đổi kế hoạch sơ tán. Lực lượng đáng nghi hàng đầu hiện nay là ISIS-K.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN