Tiến sĩ Fauci - Gương mặt đi đầu trong cuộc chiến COVID-19 ở Mỹ

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ hiện là gương mặt của nước Mỹ trong cuộc chiến chống virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Chú thích ảnh
Ông Anthony Fauci. Ảnh: AP

Theo kênh BBC (Anh), ông Fauci (79 tuổi) là bác sĩ nổi tiếng nhất nước Mỹ. Từng giữ vai trò đứng đầu ngành miễn dịch tại Viện Sức khỏe Quốc gia trong thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Fauci đã chứng kiến nhiều xung đột liên quan đến đại dịch HIV/AIDS. Đến năm 2020 này, trong cuộc chiến chống COVID-19 của nước Mỹ, ông Fauci một lần nữa trở thành người ở tiền tuyến.

Bác sĩ Fauci đã đảm nhận công việc từ năm 1984 và chứng kiến phản ứng của chính quyền 6 đời tổng thống Mỹ đối với khủng hoảng y tế và dịch bệnh như SARS, MERS và Ebola.

Ông Fauci ra đời vào đúng đêm Giáng Sinh năm 1940 trong một gia đình dược sĩ nhập cư Italy tại Brooklyn, New York. Năm 1966, ông Fauci tốt nghiệp với kết quả đứng đầu lớp ở Trường Y khoa Cornell. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, ông Fauci gia nhập Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) năm 1968.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của ông Fauci xuất hiện vài thập niên sau đó. Ngày 5/6/1981, ông Fauci nhận báo cáo miêu tả về cái chết của một bệnh nhân viêm phổi lạ thường chỉ xuất hiện ở người mắc ung thư. Sau đó là báo cáo khác miêu tả 26 trường hợp tử vong khác, đều là người đồng tính. Ông Fauci nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi thấy nổi da gà. Có điều gì đó bất thường. Đây thực sự là loại virus mới, hoạt động như bệnh lây truyền qua đường tình dục”.

Ông Fauci sau đó tập trung tìm hiểu xem virus HIV đã phá hủy hệ miễn dịch của con người như thế nào. Ông còn đi tiên phong trong thử nghiệm Zidovudine – thuốc điều trị AIDS đầu tiên.

Khi đại dịch HIV/AIDS gây biến động tại Mỹ trong thập niên 80, bác sĩ Fauci đã trở thành mục tiêu chỉ trích do phản ứng của chính quyền Tổng thống Ronald Reagan. Người biểu tình đến văn phòng chính phủ, mang theo khẩu hiệu có dòng chữ: “Bác sĩ Fauci, ông đang giết chúng tôi”. Có người thậm chí ném bom khói vào khuôn viên NIH và cảnh sát đã ra mặt nhưng ông Fauci khi đó lại muốn gặp và trao đổi với những người này.

Sau đó, bác sĩ Fauci đã góp phần trong việc khuyến khích các nhà hành pháp nới lỏng quy định đối với thử nghiệm lâm sàng thuốc mới cho bệnh nhân. Tờ The New York Times sau đó gọi ông là “ngôi sao dẫn đầu chính phủ trong chống AIDS”. Năm 2008, bác sĩ Fauci đã nhận Huân chương Tổng thống.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Fauci đã có 5 thập niên gắn bó với nghề y. Ảnh: sciencespeaks

Từ năm 1984 đến nay, ông Fauci đảm nhận ghế giám đốc đơn vị về bệnh truyền nhiễm và dị ứng tại NIH. Đơn vị này đã giám sát nghiên cứu về nhiều căn bệnh truyền nhiễm, từ AIDS tới Ebola.

Đối với người dân Mỹ, ông Fauci trở thành nhân vật được tin tưởng tại bục phát biểu Nhà Trắng liên quan tới COVID-19 khi thường đưa ra phát biểu khoa học. Ông thừa nhận sẽ mất ít nhất một năm rưỡi để sản xuất vaccine.

Bác sĩ Fauci cũng nhiều lần nói rằng sẽ mất vài tuần đến vài tháng thì cuộc sống mới có thể trở lại bình thường và rủi ro của việc phớt lờ các lời khuyên là virus sẽ tiếp tục lây lan không thể kiểm soát rồi cướp đi mạng sống của hàng nghìn, hàng triệu người.

Hà Linh/Báo Tin tức
FAO cảnh báo COVID-19 có thể gây thiếu lương thực toàn cầu
FAO cảnh báo COVID-19 có thể gây thiếu lương thực toàn cầu

Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên hợp quốc cảnh báo rằng những biện pháp mà các chính phủ áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN