Theo báo The Hill, sau các cuộc đàm phán thâu đêm giữa các nhà lãnh đạo tại Thượng viện, dự luật đã được thông qua với số phiếu áp đảo 90 phiếu thuận, 0 phiếu chống.
Dự luật có tên gọi “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế (CARES Act), dài 883 trang liên quan đến gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD. Dự luật dự kiến được chuyển sang Hạ viện xem xét ngày 27/3 và sẽ được trình lên Tổng thống Trump ký phê chuẩn ngay sau đó nếu được thông qua.
Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, vượt gói kích thích 800 tỉ USD được thông qua dưới thời Tổng thống Barack Obama để đối phó với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008, hay trước đó là gói cứu trợ 700 tỉ USD được Tổng thống G.W. Bush ký ban hành năm 2003. Mục đích chính là cung cấp hỗ trợ tài chính thiết yếu để giúp đỡ các doanh nghiệp bị đóng cửa, các hộ gia đình, bệnh viện, cơ sở y tế chịu ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Đối với cá nhân, công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc những người không có thu nhập hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế, sẽ nhận được séc chi trả một lần trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 USD. Dự kiến tiền sẽ được chuyển trước ngày 6/4 tới. Người lao động cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ người mất việc trị giá 250 tỉ USD. Theo đó, thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 4 tháng, thay vì 3 tháng như thông thường và người lao động sẽ nhận được 600 USD/tháng.
Khoản cứu trợ lớn nhất trị giá 500 tỉ USD dành cho các công ty, tập đoàn quy mô lớn, dưới hình thức các khoảng vay, bảo lãnh, đầu tư đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính Mỹ. Thời hạn không kéo dài quá 5 năm và sẽ không được xóa nợ. Trong số này, ngành hàng không sẽ nhận được nguồn tín dụng hơn 32 tỉ USD, với 25 tỉ USD cho các hãng vận tải hành khách, 4 tỉ USD cho các công ty vận tải hàng hóa và 3 tỉ USD cho các nhà thầu phụ. Trong thời hạn vay, các công ty nhận được khoản vay của chính quyền sẽ bị cấm dùng tiền đó để mua lại cổ phiếu quỹ.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ quy mô 350 tỉ USD. Mục đích chính là để ngăn chặn làn sóng sa thải công nhân, đóng cửa doanh nghiệp khi người lao động buộc phải ở nhà do bệnh dịch lây lan. Doanh nghiệp quy mô tầm 500 nhân công vẫn trả lương cho nhân viên có thể nhận được hỗ trợ tài chính trong vòng 8 tuần, miễn lãi suất cầm cố, tiền thuê mướn công cụ.
Gói cứu trợ cũng dành khoản kinh phí lên đến 140 tỉ USD cho hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19. 100 tỉ USD sẽ được bơm trực tiếp cho các bệnh viện, mua sắm máy thở, khẩu trang, thiết bị y tế điều trị bệnh. Số còn lại sẽ được sử dụng để mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho mọi đối tượng, hỗ trợ hoạt động của Trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC).
Một khi được ban hành, gói cứu trợ sẽ dành 450 triệu USD cho Chương trình Hỗ trợ Lương thực Khẩn cấp, khoảng 350 triệu USD dành để mua lương thực bổ sung và 100 triệu USD được dùng để phân phối. Các vùng lãnh thổ hải ngoại khác, như Puerto Rico, cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ 200 triệu USD.
Giới phân tích nhận định, gói hỗ trợ được thông qua khá kịp thời, nhưng chưa đủ để ngăn chặn tác động kinh tế ngắn hạn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng mà dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế Mỹ. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng chóng mặt, lên khoảng 1,5 triệu người hôm 21/3. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh St. Louis, ông James Bullard nhìn nhận gói cứu trợ phù hợp cho tình hình hiện nay, nhưng chỉ là giải cứu tạm thời, chưa thể gọi là gói kích thích khi mà chưa biết dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu.