Tiền đề cho tương lai Mỹ - Mỹ Latinh

Tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm lịch sử tới khu vực Mỹ Latinh với hai điểm đến quan trọng là Cuba và Argentina. Nếu như tại La Habana, ông được chào đón trong một sự kiện mang tính biểu tượng và thực dụng đặc trưng Mỹ, thì tại Buenos Aires, chuyến thăm mang một màu sắc khác. Giới chuyên gia nhận định sự kiện này góp phần định hình chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Nhà Trắng với khu vực quan trọng này.

Cuba - Biểu tượng và thực dụng

Tổng thống Obama đã tới Cuba với mục tiêu mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa Washington và chính quyền của đảo quốc xinh đẹp này sau nhiều thập kỷ thù địch. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới Cuba trong suốt 88 năm qua, và chuyến thăm kéo dài 3 ngày này là sự kiện đặc biệt quan trọng trong tiến trình ngoại giao được người đứng đầu hai nước công bố hồi tháng 12/2014, nhằm chấm dứt sự xa lánh và mâu thuẫn giữa Mỹ và Cuba, vốn bắt đầu từ sau khi Cách mạng Cuba lật đổ chính quyền thân Mỹ năm 1959.

Chủ tịch Cuba Raul Castro nói chuyện với Tổng thống Barack Obama và phu nhân trong buổi chiêu đãi chính thức tối 21/3 tại La Habana.

Tổng thống Obama, người tìm cách khép lại chính sách cô lập Cuba kéo dài hơn 50 năm qua, đã có những nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Tuy nhiên, để tiến tới bình thường hóa quan hệ, hai bên vẫn còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua trong bối cảnh nhiều người chỉ trích ông Obama vì cho rằng vẫn còn quá sớm để tiến hành chuyến thăm này. Trao đổi với các nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana, Tổng thống Obama nói: “Đây là cơ hội lịch sử để tiếp cận trực tiếp với người dân Cuba”.

Diễn ra sau nhiều thập kỷ thù địch, chuyến thăm lần này của ông Obama vừa có ý nghĩa biểu tượng vừa mang tính thực dụng. Chuyến thăm biến ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Cuba kể từ sau chuyến thăm của cố Tổng thống Calvin Coolidge năm 1928. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc xóa bỏ những rào cản còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại và du lịch giữa Mỹ và Cuba, đồng thời thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Kể từ sau khi người đứng đầu hai nước tuyên bố khởi động tiến trình hòa giải, hai bên đã khôi phục quan hệ ngoại giao và ký kết nhiều thỏa thuận thương mại về thông tin liên lạc và dịch vụ hàng không.

Tính biểu tượng được nhìn nhận ở góc độ giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là lệnh cấm vận kéo dài suốt 54 năm qua mà Mỹ áp đặt với Cuba. Ông Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua việc xóa bỏ lệnh cấm vận này song các nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng cho tới nay vẫn gặp trở lực lớn từ phía các lãnh đạo của đảng Cộng hòa. Trong khi thực dụng được đánh giá ở góc độ tương lai gần, chuyến thăm mở thêm ra những cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ và đặt ra yêu cầu cấp bách hơn đối với chính quyền kế nhiệm sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Argentina - Điểm khởi đầu mới

Nếu như La Habana là điểm đến để khẳng định và tiếp nối những bước đi tích cực của Mỹ và Cuba trong hơn 15 tháng qua kể từ khi Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương, thì Buenos Aires có thể coi là điểm khởi đầu mới cho mối quan hệ mới giữa hai cường quốc châu Mỹ.

Trên thực tế, quan hệ Mỹ - Argentina đang được cải thiện nhanh chóng sau khi Tổng thống Mauricio Macri lên cầm quyền hồi tháng 12/2015 tại Argentina. Trước đó, mối quan hệ giữa hai nước được cho là không mấy tốt đẹp trong suốt 2 nhiệm kỳ cầm quyền của bà Cristina Fernandez, người tiền nhiệm của ông Macri. Trong số những căng thẳng giữa hai nước có vụ kiện Buenos Aires của các nhà đầu cơ Mỹ tại tòa án New York. Trong những tuần gần đây, chính phủ của ông Macri đã đạt được tiến bộ đáng kể trong thương lượng để trả nợ với các quỹ đầu cơ này, mà theo như ông Macri tuyên bố sẽ mở đường cho nước này tiếp cận thị trường vốn quốc tế rất cần cho nước Nam Mỹ để phát triển kinh tế.

Chuyến thăm tới của Tổng thống Obama sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Mỹ tới Argentina sau gần 19 năm kể từ chuyến thăm gần nhất vào năm 1997 của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton dưới thời Tổng thống Argentina Carlos Menem (1989-1999). Dự kiến trong thời gian ở thăm Argentina, Tổng thống Obama sẽ trao đổi về nhiều vấn đề từ thương mại, khoa học, văn hóa, cơ sở hạ tầng tới an ninh với người đồng cấp chủ nhà.

Nhu cầu cải thiện quan hệ Mỹ - Argentina xuất phát từ những lợi ích song phương. Với Washington, từ góc độ chính trị, Buenos Aires với chính quyền cánh hữu sẽ là cầu nối để trở lại với khu vực Nam Mỹ, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đã hiện diện khá nhiều. Trên phương diện kinh tế, đây cũng là một môi trường đầy tiềm năng cho các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ.

Ở chiều bên kia, chính quyền của Tổng thống Macri đã không che giấu ý định vươn ra thế giới. Đây là lý do khiến ông chọn bà Susana Macorra, nguyên Chánh văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, vào vị trí Ngoại trưởng. Trong cộng đồng quốc tế, bà Susana là nhân vật có uy tín bởi bà cũng từng phụ trách Chương trình Lương thực Thế giới, giúp đỡ cho hàng triệu nạn nhân của xung đột và thảm họa thiên tai. Ngay sau khi đắc cử, chính khách này cũng đã kịp tới thăm Brazil và Chile, hai quốc gia láng giềng quan trọng cũng như Uruguay - những đối tác thương mại hàng đầu của Argentina, tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sau 12 năm Buenos Aires vắng mặt.

Mỹ là bạn hàng thương mại lớn thứ ba của Argentina, sau Brazil và Trung Quốc, với kim ngạch thương mại đạt 13 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, trong cán cân thương mại, kể từ năm 2005 tới nay, Argentina luôn bị thâm hụt với Mỹ. Hiện tại, Argentina có tới 500 doanh nghiệp với vốn đầu tư của Mỹ. Các chuyên gia hy vọng rằng trong tương lai gần và trung hạn, Argentina sẽ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái sinh, nông nghiệp và viễn thông của Mỹ.

Thăm Mỹ Latinh với hai chặng dừng chân Cuba và Argentina trong bối cảnh thời gian của nhiệm kỳ không còn nhiều, nhiều vấn đề đối nội còn dang dở và nước Mỹ đang dồn lực cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, giới phân tích đánh giá Tổng thống Obama đang hoàn tất những di sản đối ngoại của khu vực này, cùng đồng thời đặt ra những tiền đề cho chính quyền kế nhiệm trong đường hướng tiếp theo.
Phương Hồ
Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm chính thức tới Cuba
Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm chính thức tới Cuba

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời sân bay quốc tế José Martí tại thủ đô La Habana, kết thúc chuyến thăm chính thức Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN