Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) trong buổi họp báo chung với Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) ngày 21/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm lịch sử tới Cuba từ 20-22/3. Trước đó, hình thức hoạt động từng nối liền giao thông hai nước từ hơn 1 thế kỷ trước đã bị chính quyền Mỹ cấm như một phần của lệnh cấm vấn toàn diện kinh tế, thương mại, tài chính đối với Cuba từ hơn 50 năm qua và chỉ cho phép đặc biệt mở lại vào tháng 7/2015.
Nhân dịp này, Carnival và công ty lữ hành Cuba Havanatur đã ký thỏa thuận hợp tác mở tuyến vận tải phà biển từ thành phố Miami (bang Florida, Mỹ) tới hải cảng tại thủ đô La Habana (Cuba) với mục tiêu chính thức là thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa nhân dân hai nước, do hiện tại Mỹ vẫn chưa cho phép công dân mình tới Cuba dưới dạng du lịch mà chỉ được tiến hành theo các chuyến đi trao đổi học thuật, văn hóa, bên cạnh các chuyến thăm chính thức.
Carnival cho biết sẽ sử dụng loại phà biển MV Adonia có sức chứa 704 hành khách cho tuyến vận tải mới này, nhưng chưa tiết lộ cụ thể tần suất hoạt động. Hiện tại, Carnival, thông qua công ty con của mình là Fathom, đã nhận đặt chỗ qua mạng cho chuyến phà đầu tiên, dự kiến diễn ra từ trong tuần đầu tiên của tháng 5 tới.
Cuba và Mỹ ký Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp
Phóng viên TTXVN tại Cuba đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cuba, ngày 22/3 Bộ trưởng Nông nghiệp nước chủ nhà Gustavo Rodríguez Rollero và người đồng cấp Mỹ Thomas Vilsack đã ký Bản ghi nhớ hợp tác song phương về nông nghiệp và một số lĩnh vực liên quan.
Thỏa thuận này là kết quả của quá trình đàm phán song phương được khởi động từ chuyến thăm Cuba của ông Vilsack ngày 12/11 năm ngoái. Văn bản mới bao gồm quy định nhằm hỗ trợ hợp tác song phương trong thúc đẩy thương mại nông sản, nâng cao năng suất nông nghiệp, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cũng như tạo điều kiện hợp tác trong các lĩnh vực khác liên quan tới nông nghiệp và lương thực.
Phát biểu sau lễ ký, Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba Rodríguez Rollero khẳng định “nông nghiệp chính là ngôn ngữ chung cho phép cải thiện quan hệ giữa hai nước” và thỏa thuận mới sẽ là nền tảng pháp lý để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực này. Ông cũng đánh giá tích cực các biện pháp nới lỏng cấm vận mà Chính phủ Mỹ mới áp dụng, nhưng cho rằng chúng chưa có tác động ý nghĩa tới lĩnh vực nông nghiệp một khi cuộc bao vây cấm vận vẫn còn tồn tại.
Chia sẻ quan điểm với người đồng cấp Cuba, ông Vilsack đã bày tỏ trong chuyến thăm trước đó của mình đã được chứng kiến nỗ lực của những người nông dân và xã viên hợp tác xã nông nghiệp của Cuba để vượt qua những khó khăn mà chính sách cấm vận của Mỹ gây ra. Bộ trưởng Vilsack cũng thừa nhận “cuộc bao vây cấm vận tạo ra rào cản ngăn cản sự hợp tác đầy đủ giữa hai nước về nông nghiệp” và bày tỏ tin tưởng sự hợp tác song phương trong lĩnh vực này theo thời gian sẽ là một áp lực chính trị đủ lớn để Quốc hội Mỹ chấm dứt chính sách thù địch trên.
Từ năm 2000, Mỹ đã đặc cách cho phép các doanh nghiệp nước mình xuát khẩu các mặt hàng lương thực sang Cuba, tuy nhiên sau những năm đầu tăng trưởng thuận lợi, các doanh nghiệp này ngày càng khó cạnh tranh với các đối thủ từ quốc gia khác do những hạn chế tài chính ngặt nghèo của chính Washington.
Theo thống kê chính thức của Mỹ, giá trị xuất khẩu lương thực của Mỹ sang Cuba đạt giá trị kỷ lục 710 triệu USD năm 2008, sau đó sụt giảm dần, lần đâu tiên xuống dưới mức 300 triệu USD vào năm 2014 (291 triệu USD) và tiếp tục giảm tới 40% trong năm ngoái.
Hiện tại, khoảng 30 doanh nghiệp nông sản và lương thực có uy tín của Mỹ đã thành lập liên minh vận động Quốc hội Mỹ từ bỏ chính sách bao vây cấm vận. Trong khi đó tại các cuộc thương lượng về quan hệ song phương, Cuba luôn yêu cầu ngoài việc xuất khẩu hàng hóa, Mỹ phải mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Cuba.