Kết quả cuộc điều tra hoạt động của Credit Suisse từ năm 2006 đến 2016 của FINMA cho biết khi làm việc với FIFA, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ này đã không làm đủ các bước để xác định rõ ràng khách hàng của mình, xác định người thụ hưởng thật sự của các tài khoản cũng như những quan hệ làm ăn có "nguy cơ tăng thêm". Những thiếu sót tương tự cũng bị phát hiện trong các hoạt động giao dịch của ngân hàng với tập đoàn dầu mỏ quốc gia Brazil Petrobras và một doanh nghiệp năng lượng của Venezuela.
FINMA nhấn mạnh: "Để chống rửa tiền một cách hiệu quả, mọi bộ phận liên quan trong ngân hàng phải cho thấy tất cả các mối quan hệ của khách hàng với ngân hàng ngay lập tức và tự động". Dù đã ra án phạt với Credit Suisse, FINMA vẫn yêu cầu ngân hàng tăng cường các nỗ lực chống rửa tiền và giao cho "một bên độc lập thứ 3" kiểm tra hiệu quả của các biện pháp này.
Ngoài những thiếu sót trên, cuộc điều tra cũng chỉ trích những thiếu sót của Credit Suisse trong việc giám sát một người quản lý cấp cao đã đưa khách hàng vào những nguy cơ quá mức. Tuy báo cáo của FINMA không nêu tên đối tượng này, song hãng tin Bloomberg đã xác định người này là Patrice Lescaudron đã bị một tòa án Geneva kết án 5 năm tù hồi tháng 2 do một số lượng lớn các vụ giao dịch bất hợp pháp.
Trong một phát biểu sau công bố của FINMA, Credit Suisse cho biết đã được thông báo về những kết quả điều tra của FINMA song nhấn mạnh hầu hết các sơ suất đó đều xảy ra trước năm 2014 và ngân hàng đã thực hiện các biện pháp để tăng cường hệ thống kiểm duyệt.
FINMA đã bắt đầu cuộc điều tra đối với Credit Suisse từ năm 2015 để xác định quy mô mà các ngân hàng của Thụy Sĩ và khách hàng của họ dính líu vào vụ bê bối tham nhũng gây chấn động của FIFA, liên quan đến hàng trăm triệu USD tiền hối lộ tại khắp các châu lục. Không chỉ Credit Suisse, vụ bê bối này còn liên quan đến 11 ngân hàng lớn khác trên thế giới như Deutsche Bank, HSBC hay Standard Chartered.