Với 63 phiếu thuận và 37 phiếu chống, các Thượng nghị sĩ đã nhất trí tiến hành thảo luận dự thảo nghị quyết trên vào tuần tới. Văn bản, do nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa và Dân chủ thúc đẩy, hướng tới luật hóa việc chấm dứt hoàn toàn mọi sự hỗ trợ của Mỹ đối với các chiến dịch của liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm chống lại phiến quân Houthi tại Yemen. Đây là dấu hiệu thể hiện thái độ kiên quyết của các nghị sĩ Mỹ đối với vai trò của Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi, đồng thời giáng đòn mạnh vào chính quyền của Tổng thống Donald Trump vốn luôn duy trì quan điểm Riyadh là đồng minh quan trọng trong việc kiềm chế Iran tại Trung Đông, là khách hàng "sộp" với các thương vụ mua vũ khí béo bở và "người chơi" quyền lực giữ giá dầu ổn định.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ ít giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nỗ lực thuyết phục các thượng nghị sĩ nói "Không" với dự thảo với lý do việc Washington ngừng viện trợ sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng tại Yemen thêm trầm trọng và các nỗ lực ngoại giao kiến tạo hòa bình tại đây đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Hai quan chức hàng đầu này khẳng định chưa có bằng chứng trực tiếp về mối liên hệ giữa Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman với vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu cho thấy những nỗ lực của hai bộ trưởng có ảnh hưởng này đã thất bại.
Phát biểu với báo giới, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy tuyên bố Chính phủ Saudi Arabia đã vượt qua giới hạn trong cuộc chiến tại Yemen khi chiến dịch quân sự do Riyadh tiến hành đã khiến số dân thường thiện mạng trong năm nay cao hơn bất kỳ năm nào trước thời điểm diễn ra cuộc chiến này. Theo số liệu của Liên hợp quốc, từ năm 2015 đến nay, đã có khoảng 10.000 người - chủ yếu là dân thường- thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự của liên quân Arab tại Yemen. Ông tuyên bố hành vi "thuyết khách" của Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Mattis trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là "phản tác dụng". Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết ông đã bỏ phiếu thuận vì Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Ginal Haspel chưa phải điều trần và có thể không bị chất vấn về vai trò của Thái tử Salman trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Cho đến nay, phản ứng mạnh nhất của chính quyền Mỹ đối với vụ việc này mới chỉ dừng lại ở việc trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị chỉ trích về việc ông cố tình "nhắm mắt làm ngơ" bất chấp thông tin của CIA rằng Thái tử Salman đứng đằng sau vụ việc này.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017. Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu. Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.