Truyền thông Nga dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Moskva đang muốn thành lập một căn cứ không quân chiến lược ngoài khơi bờ biển Venezuela.
Trước đó, sự xuất hiện của hai chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Nga tại quốc gia Nam Mỹ hồi đầu tháng đã gây ra phản ứng lo ngại từ Washington, dẫn đến một cuộc tranh cãi khá gay gắt giữa quan chức hai nước. Theo nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta (NG), động thái này có thể là “khúc dạo dầu” cho một nỗ lực đầy tham vọng tiếp theo.
Nguồn tin ngoại giao tiết lộ cho báo trên rằng Moskva đang tìm cách xây dựng một căn cứ bán thường trực tại một trong các hòn đảo của Venezuela trên Biển Caribê, khi nước này chuẩn bị cho “sự hiện diện quân sự dài hạn” ở “sân sau” của Mỹ.
Căn cứ được cho là sẽ thiết lập trên đảo Orchiala nằm cách thủ đô Caracas 160 km. Hiện trên đảo có sẵn một sân bay và một căn cứ Hải quân Venezuela cách đây 10 năm quân đội Nga từng tới thăm.
Năm 2008, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thậm chí còn đề nghị Nga thành lập một căn cứ không quân. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phía Moskva chần chừ quyết định.
Với 10 năm quan hệ Nga-Mỹ chạm xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh và Washington muốn rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, trong đó có Hiệp ước INF, Moskva đã có phản ứng dữ dội, tuyên bố “sẽ đáp trả” nếu như Mỹ triển khai bất kỳ tên lửa mới có khả năng đe dọa an ninh khu vực tại châu Âu.
Video máy bay ném bom Tu-160 bay qua vùng biển quốc tế Caribê (Nguồn: RT):
Con đường dẫn tới sự ổn định hay khủng hoảng?
Giới chuyên gia tin rằng một căn cứ không quân tại Venezuela có khả năng chứa máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa của Nga đóng vai trò như một biện pháp trả đũa, nếu như thông tin được xác thực.
“Không thể loại trừ trường hợp tất cả các thỏa thuận đều bị phá vỡ, chúng ta phải có những bước đáp trả tương xứng để đảm bảo sự ổn định”, Andrey Koshkin – người đứng đầu khoa nghiên cứu chính trị và xã hội thuộc Đai học Kinh tế Plekhanov – trả lời hãng tin RT.
Rời bỏ Hiệp ước INF có khả năng cho phép Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân tới châu Âu, đe dọa Nga. Chuyên gia gợi ý việc xâm nhập được vào “sân sau” của Mỹ có thể là phản ứng khả thi duy nhất của Nga hiện giờ. Tuy nhiên, nếu cả hai bên đều mạo hiểm, tình hình có thể diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm, thậm chí có thể bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc.
“Điều này có thể khơi mào cho một sư kiện tương tự Khủng hoảng Caribê năm xưa”, Konstantin Sivkov – nhà phân tích quân sự kiêm sĩ quan Hải quân về hưu nhận định.
Hiện vẫn chưa có thông tin gì chắc chắn. Quan chức Nga vẫn chưa có bất kỳ phát ngôn nào về vấn đề này, trong khi Chính quyền Caracas lên tiếng bác bỏ trước thông tin có “căn cứ Nga” trên lãnh thổ Venezuela.
Caracas cũng công khai bày tỏ mong muốn “mở rộng” hợp tác quân sự với Nga và làm “nó hiệu quả hơn”.
“Chúng tôi muốn một sự hợp tác kỹ thuật quân sự vượt xa những cái thông thường”, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Lopez khẳng định với người đồng cấp Nga Sergey Shoigu trong một cuộc gặp tháng 4 vừa qua.
Bất chấp một thách thức lớn hiện nay là luật pháp Venezuela không cho phép lực lượng nước ngoài hiện diện vĩnh viễn trên lãnh thổ nước này, song dường như Moskva và Caracas đã tìm ra cách để vượt qua. Theo nguồn tin đáng tin cậy, các máy bay ném bom của Nga được cho là sẽ triển khai trên đảo lần lượt xoay vòng thay vì đóng tại căn cứ vĩnh viễn.
Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu xác nhận máy bay quân sự Nga sẽ tiếp tục bay tới Venezuela trong khi tàu Hải quân nước này cũng có thể sử dụng cảng biển quốc gia Nam Mỹ.
Song với vị trí nằm cách xa lãnh thổ Nga, Moskva vẫn cần một cơ sở quân sự quy mô đầy đủ. Chuyên gia Sivkov lý giải một căn cứ nhỏ không đủ tiềm lực để hỗ trợ hoạt động của Nga trong khu vực.
"Ban đầu quy mô hiện diện quân sự sẽ chỉ hạn chế ở cấp độ phi đội hoặc trung đoàn không quân. Sau đó Nga có thể sẽ tăng cường hiện diện bằng cách xây dựng kho nhiên liệu và đạn dược cũng như triển khai các hệ thống phòng không, biến căn cứ tại Venezuela có khả năng tương tự như căn cứ Khmeimim của Nga ở Syria”, ông Sivkov dự đoán.