Tuy nhiên giới phân tích tin rằng mục đích thực sự của động thái này không phải là để phô trương sức mạnh.
Ngày 10/12, hai máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Tu-160, cùng các máy bay vận tải hạng nặng của Không quân Nga, đã hạ cánh an toàn xuống thủ đô Caracas. Quân đội Nga tuyên bố động thái này là một phần nằm trong cuộc tập trận chung với quân đội Venezuela. Hàng chục phi công và nhân viên kỹ thuật Nga đã tới quốc gia Nam Mỹ để cùng chia sẻ kinh nghiệm và huấn luyện.
“Đó là một cơ hội luyện tập tốt cho lực lượng Không quân tầm xa”, Đại tá Mikhail Khodarenok về hưu hiện đang phụ trách mục bình luận quân sự trên báo Nga Gazeta.ru, nhận xét về chuyến bay dài 10.000 km qua Đại Tây Dương.
Ông cũng lý giải chuyến bay của hai máy bay ném bom là một “cuộc thử nghiệm” nhằm kiểm tra năng lực của phi hành đoàn Nga. Chuyên gia cũng nhấn mạnh chuyến thăm hữu nghị tới Venezuela không có tác động "chiến lược” tới tình hình trong khu vực, như những gì phương Tây lo ngại.
Video Tu-160 hạ cánh tại sân bay quân sự Venezuela (nguồn: RT):
Mối đe dọa tới khu vực?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích Nga và Venezuela là “hai chính phủ tham nhũng phung phí công quỹ và chà đạp tự do trong khi người dân đang phải chịu đựng".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio thẳng thừng cảnh báo Mỹ nên đón chờ một kịch bản máy bay Nga “có thể xâm phạm vào vùng nhận dạng phòng không" của nước này. Chính trị gia này tuyên bố sự xuất hiện của hai oanh tạc cơ Nga tại Venezuela là “đáng báo động” và các cuộc tập trận không khác gì một “mối đe dọa tới sự ổn định trong khu vực và an ninh quốc gia Mỹ”.
Trên thực tế, bên cạnh việc hai máy bay thực hiện chuyến bay dài 10 giờ đồng hồ trên vùng biển Caribe và phối hợp hoạt động với Su-30, F-16 của Venezuela, Bộ Quốc phòng Nga không hề nhắc gì tới Mỹ. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây lại sẵn sàng khơi dậy một làn sóng chống Nga khi đưa thông tin này lên trang chủ các báo lớn nhỏ trong nước. Hơn một nửa trong số các bài viết nhấn mạnh vào chi tiết Nga sở hữu “máy bay ném bom siêu thanh, tầm xa, có khả năng mang bom hạt nhân…” để nhắc nhở và khiến độc giả lo sợ.
“Năng lực viễn chinh”
Bất chấp truyền thông phương Tây thái quá về chuyến thăm tới Venezuela của máy bay ném bom Nga, Đại tá Khodarenok tin rằng động thái của Nga còn lâu mới được xếp vào dạng “trình diễn năng lực viễn chinh”. Để triển khai một dự án “phô diễn khả năng viễn chinh” cần hẳn một sư đoàn gồm 40 máy bay các loại cùng với hơn 100 chiến đấu cơ triển khai tới Venezuela chỉ trong 24 giờ đồng hồ. Đại tá Khodarenok cho rằng muốn "phô diễn sức mạnh, Nga còn cần huy động thêm tàu khu trục chiến đấu hay tàu ngầm đa năng hiện đại nhất Yasen-M của nước này.
Vị chuyên gia trên nhấn mạnh hai máy bay ném bom Nga không thể trở thành “mối đe dọa” với Mỹ hay bất kỳ nước nào khác. Nếu so với các cuộc tập trận thường niên của Mỹ với Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên, số lượng phương tiện, trang thiết bị vũ khí được triển khai còn thua xa. Năm 2016, cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn huy động nhiều máy bay chiến đấu F-22, máy bay ném bom, tàu ngầm hạt nhân và tàu đổ bộ, cũng như 15.000 binh sĩ Mỹ.
Các cuộc tập trận đó cách lãnh thổ phía đông nước Nga không xa, song không một ai ở phương Tây đánh giá chúng là “mối đe dọa với an ninh khu vực”, thậm chí ngay trong bối cảnh khủng hoảng mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên máy bay ném bom chiến lược của Nga được triển khai tới Venezuela. Năm 2008, hai oanh tạc cơ Nga cũng đã có một chuyến bay tương tự tới quốc gia Mỹ Latinh này.