Theo hãng tin AFP, trả lời phóng viên tại Lầu Năm Góc, Tướng Charles cho rằng động thái này tạo khoảng không cho các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm giải quyết các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.
"Trong bối cảnh diễn ra những nỗ lực ngoại giao, chúng tôi không muốn có bất cứ hành động nào phá hỏng bầu không khí đàm phán ngoại giao. Đây là một phần lý do chúng tôi không cho các máy bay ném bom bay phía trên Hàn Quốc", Tướng Brown giải thích.
Là một phần trong "Sứ mệnh máy bay ném bom hiện diện thường trực", Không quân Mỹ đã duy trì hoạt động các máy bay ném bom B-1B, B-52 và B-2 trên lãnh thổ Guam từ năm 2004.
Các máy bay này thường xuyên tiến hành bay trong khu vực, với các đối tác trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, như một phương thức để huấn luyện và tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ đối phó với Triều Tiên và các đối thủ tiềm ẩn khác.
Tướng Brown cho biết mặc dù không còn hoạt động trên Bán đảo Triều Tiên, tổng số các chuyến bay không hề thay đổi.
Mỹ và Hàn Quốc đã thu nhỏ quy mô hoặc loại bỏ một số cuộc tập trận chung sau khi Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore được tổ chức vào tháng Sáu vừa qua.
Tại cuộc họp, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng tổ chức các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, cho rằng các cuộc tập trận đó tốn kém và "mang ý nghĩa khiêu khích".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuần trước cho biết Mỹ và Hàn Quốc đang cắt giảm quy mô cuộc tập trận " Foal Eagle" (Đại Bàng Non), dự kiến diễn ra trong mùa xuân năm 2019 và luôn bị Bình Nhưỡng lên án như một sự chuẩn bị cho cuộc xâm lược.