Thúc đẩy kế hoạch đáp trả 6 nước đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ

Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch áp thuế trả đũa với tổng giá trị lên đến gần 1 tỷ USD mỗi năm đối với sáu quốc gia đã đánh thuế các công ty công nghệ của nước này.

Theo các văn bản do Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Vương quốc Anh, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Áo có thể bị đánh thuế đến 25% mỗi năm. Đây là lời đáp trả của Washington với những nước đang đánh thuế đối với các công ty công nghệ như Amazon và Facebook.

Chú thích ảnh
Facebook là một trong những công ty công nghệ bị đánh thuế. Ảnh minh họa: AP.

USTR đề xuất đánh thuế xấp xỉ tổng doanh thu thuế mà mỗi nước thu được từ các công ty Mỹ. Theo tính toán của hãng tin Bloomberg News, con số này lên đến 880 triệu USD/năm.

Cụ thể, Anh đang áp thuế 2% doanh thu đối với các công cụ tìm kiếm, các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử có doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số trên 500 triệu bảng Anh (khoảng 694,55 triệu USD) và doanh thu từ các dịch vụ này tại Anh trên 25 bảng Anh. USTR ước tính số tiền thuế kỹ thuật số mà các công ty Mỹ đã nộp cho Anh ở mức khoảng 325 triệu USD mỗi năm. Các mặt hàng của Anh có thể bị đánh thuế trả đũa khi xuất khẩu sang Mỹ bao gồm dụng cụ nghệ thuật, mỹ phẩm và trang điểm, hàng may mặc... USTR sẽ lấy ý kiến công chúng về kế hoạch thuế với Anh vào ngày 4/5.

Thuế kỹ thuật số của Italy được áp dụng với các công ty tạo ra doanh thu 750 triệu euro (khoảng 885 triệu USD) trở lên trên toàn cầu trong năm trước đó, và 5,5 triệu euro trở lên từ các dịch vụ kỹ thuật số tại Italy. Theo ước tính của USTR, số tiền thuế mà các công ty công nghệ của Mỹ đã nộp tại nước này vào khoảng 140 triệu USD/năm. Các mặt hàng của Italy có thể bị đánh thuế trả đũa khi nhập khẩu vào Mỹ là trứng cá muỗi, túi xách, com-lê ... Cuộc trưng cầu dân ý về thuế trả đũa với Italy dự kiến diễn ra vào ngày 5/5.

Tây Ban Nha đang đánh thuế 3% đối với các công ty có doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số trên toàn cầu đạt từ 750 triệu USD trở lên và 3 triệu USD từ các dịch vụ kỹ thuật số nhất định. Ước tính ban đầu của USTR cho thấy các công ty công nghệ Mỹ đã nộp 155 triệu USD tiền thuế/năm cho Tây Ban Nha. Mặt hàng tôm và giày dép của nước này có thể sẽ bị đánh thuế khi nhập khẩu vào Mỹ. USTR sẽ lấy ý kiến công chúng về thuế với Tây Ban Nha vào ngày 6/5.

Thuế kỹ thuật số của Thổ Nhĩ Kỳ được áp dụng với các công ty trong năm trước đó tạo ra 750 triệu euro doanh thu toàn cầu và 20 triệu lira (khoảng 2,46 triệu USD) doanh thu tại nước này. USTR ước tính hàng năm các công ty Mỹ nộp cho Thổ Nhĩ Kỳ số tiền thuế kỹ thuật số khoảng 160 triệu USD. Thảm trải nhà, thảm thêu tay và gạch hoa là những mặt hàng có thể bị Mỹ áp thuế trả đũa. Cuộc trưng cầu dân ý về việc này sẽ được tổ chức vào ngày 7/5.

Mức thuế kỹ thuật số mà Ấn Độ đang áp với các công ty nước ngoài là 2%, và nước này được dự đoán đã thu về khoảng 55 triệu USD tiền thuế kỹ thuật số mỗi năm. Các mặt hàng của Ấn Độ có thể nằm trong danh sách đáp trả của Mỹ bao gồm tôm, tấm mành, các sản phẩm từ tre, trang sức vàng và nội thất làm từ mây. USTR sẽ lấy ý kiến công chúng về thuế với Ấn Độ vào ngày 10/5.

Mức thuế kỹ thuật số của Áo là 5% tổng doanh thu từ các dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số tại nước này, chỉ áp dụng với các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm đạt từ 750 triệu euro trở lên và doanh thu tại Áo từ 25 triệu euro trở lên. Ước tính, các công ty công nghệ Mỹ đã nộp khoảng 45 triệu USD thuế kỹ thuật số hàng năm tại Áo. Các mặt hàng làm từ da, vải, kính viễn vọng quang học và kính hiển vi của Áo có thể bị đánh thuế trả đũa khi vào thị trường Mỹ. Cuộc trưng cầu dân ý về thuế trả đũa với Áo sẽ diễn ra vào ngày 11/5.

Đã có những nỗ lực nhằm thay thế thuế kỹ thuật số của mỗi nước bằng một mức tiêu chuẩn cho toàn cầu, được xây dựng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề này.

Hiệp hội Internet, bao gồm nhiều thành viên như Amazon, Facebook và Google, hoan nghênh đề xuất của USTR, cho rằng động thái này là một sự khẳng định quan trọng trong việc đẩy lùi những rào cản thương mại mang tính phân biệt đối xử, trong lúc Mỹ sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra một giải pháp khả thi tại OECD.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Bloomberg)
Facebook làm rò rỉ dữ liệu của 533 triệu người dùng
Facebook làm rò rỉ dữ liệu của 533 triệu người dùng

Hãng tin AFP dẫn thông tin từ chuyên gia an ninh mạng và truyền thông quốc tế cho biết dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng Facebook đã bị đăng tải trên một diễn đàn “tin tặc” trực tuyến. Các thông tin này có thể bị sử dụng trong các vụ lừa đảo, tấn công mạng hay tiếp thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN