Thúc đẩy động lực cùng phục hồi bền vững

Khép lại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2021 với các sự kiện nổi bật là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28, Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã thông qua Tuyên bố chung và Kế hoạch Hành động Aotearoa để triển khai tầm nhìn Putrajaya 2040.

Chú thích ảnh
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chuyển giao đăng cai tổ chức năm APEC lần thứ 29 cho Thái Lan. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

New Zealand đã hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch APEC năm 2021 và chuyển giao trọng trách trong năm 2022 cho Thái Lan.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm nay là “Hợp tác APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID-19 và làm thế nào để đảm bảo các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và củng cố vai trò của APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực về hợp tác và liên kết kinh tế, tiên phong trong các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, mở, thịnh vượng và tự cường.

Theo đó, APEC ủng hộ nỗ lực toàn cầu về chia sẻ và tiếp cận bình đẳng vaccine, mở rộng sản xuất và cung ứng vaccine, tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, APEC cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua các công cụ chính sách, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, phát triển kinh tế số, phối hợp trong mở cửa đi lại qua biên giới và bảo đảm phòng chống dịch.

Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.

Có thể thấy, Tuyên bố chung của hội nghị đã thể hiện ý chí của các nhà lãnh đạo APEC đưa khu vực phục hồi một cách bền vững và chắc chắn, mà trước hết là cùng phối hợp để kiểm soát đại dịch COVID-19. Hướng tiếp cận của APEC trong việc phục hồi kinh tế một cách bền vững, bao trùm và sáng tạo, gắn kết phục hồi kinh tế với tăng trưởng xanh cũng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của APEC dẫn dắt và định hình nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tiếp tục khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Trong các phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28, Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với ABAC, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên, đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động” vì lợi ích của mỗi nền kinh tế và của cả cộng đồng.

Chủ tịch nước đã đưa ra 3 đề xuất đối với tương lai APEC, tập trung vào hợp tác để kiểm soát đại dịch; APEC phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu cũng như đi đầu xây dựng hình mẫu châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng xanh và bao trùm để hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040.

Đánh giá về vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong APEC, chuyên gia Gregory Earl, Viện Lowy (Autralia) nêu rõ Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu về một nền kinh tế mới nổi luôn sẵn sàng tham gia thúc đẩy thương mại tự do. Theo chuyên gia Gregory Earl, cho đến nay Việt Nam đã tận dụng tốt được cơ hội tham gia APEC để năng cao năng lực xây dựng nền kinh tế thị trường và thử nghiệm các chính sách kinh tế của mình.

Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tiến trình hợp tác APEC vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với chủ nhà New Zealand và các thành viên APEC, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cũng như đóng góp cho các chương trình nghị sự của APEC trong năm 2021. Việt Nam là nước chủ chốt xây dựng Tầm nhìn APEC 2040 và đang tích cực tham gia xây dựng Kế hoạch triển khai hiệu quả tầm nhìn này. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đi đầu kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine. Đặc biệt, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể trong hợp tác APEC ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”. Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng, giúp Việt Nam phát huy vai trò và đóng góp tích cực hiệu quả vào quá trình xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Với những kết quả tích cực của Năm APEC 2021, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao vừa qua, APEC đang tiếp tục khẳng định vai trò là diễn đàn khu vực có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn, đi đầu dẫn dắt và  thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.

Tinh thần “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng” mà APEC thể hiện trong bối cảnh cả thế giới đang trải qua những khó khăn, thử thách chưa từng có đang tạo thành động lực và năng lượng giúp APEC thúc đẩy hợp tác để vượt qua dịch COVID-19, phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Mạc Luyện (TTXVN)
APEC 2021 đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19
APEC 2021 đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 tổ chức theo hình thức trực tuyến tối 12/11 (giờ Việt Nam) dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand đã đề ra lộ trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 để đảm bảo châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế liên kết và năng động nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN