Đức cần khẩn trương đẩy nhanh dòng lao động lành nghề đến từ bên ngoài EU, Thủ tướng Olaf Scholz nói với các nhà lập pháp hôm 6/9. Ông nhấn mạnh nền kinh tế lớn nhất EU không thể tồn tại nếu không có nguồn lao động nước ngoài ổn định, đồng thời trình bày một chương trình “hiện đại hóa” phức tạp trên toàn quốc có tên là “Hiệp ước Đức”.
Trong bài phát biểu trên, ông Scholz nói rằng bất cứ ai “tuyên bố rằng chúng tôi có thể hoàn toàn không cần đến lao động từ nước ngoài” đều chưa bao giờ nói chuyện với chủ sở hữu công ty cỡ trung bình hoặc nhà điều hành bệnh viện. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh thêm rằng khoảng 13 triệu công nhân ở Đức sẽ nghỉ hưu “vào năm giữa thập kỷ tới.”
Thủ tướng Đức sau đó kêu gọi chính quyền liên bang và khu vực giảm bớt các rào cản quan liêu đối với những người mới nhập cư. Ông kêu gọi, "mọi người nên tuân thủ luật được thông qua gần đây về nhập cư lực lượng lao động có tay nghề để các y tá từ Gruzia hay các chuyên gia công nghệ thông tin từ Ấn Độ không phải đợi hàng tháng để có được thị thực hoặc giấy phép lao động.”
Ông Scholz cũng nói với các nhà lập pháp rằng chính phủ của ông đã đạt được một số “tiến bộ quan trọng” trong việc chống nhập cư bất hợp pháp.
“Hiệp ước Đức” mà chính phủ của Thủ tướng Scholz đề xuất được thiết kế như một dự án hiện đại hóa quy mô lớn, được ông mô tả là “nỗ lực toàn quốc” nhằm đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. Gói toàn diện này bao gồm các biện pháp từ số hóa quy mô lớn các thủ tục hành chính công khác nhau và giảm bớt gánh nặng quan liêu cho nền kinh tế, đến đảm bảo năng lượng “sạch, an toàn và giá cả phải chăng” cũng như mở rộng xây dựng nhà ở.
Bình luận về đề xuất của Thủ tướng Scholz, lãnh đạo phe đối lập Đức nhấn mạnh cần thực hiện các biện pháp để khiến thu nhập từ công việc trở nên hấp dẫn hơn so với các khoản phúc lợi và tạo động lực để những nhân viên lớn tuổi giữ được việc làm trong thời gian dài hơn.
Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) – một bộ phận của khối bảo thủ trong Quốc hội, lực lượng đối lập lớn nhất, tuyên bố: “Chúng tôi, phe đối lập, tất nhiên sẵn sàng tham gia vào các đề xuất hợp lý”. Ông vẫn khẳng định rằng “nhập cư bất hợp pháp” nên được coi là vấn đề lớn nhất trong chương trình nghị sự và nói thêm rằng vấn đề này cần được giải quyết trước tiên.
Theo cơ quan thống kê nhà nước Đức, số lượng người nhập cư ròng vào nước này chiếm gần 1,5 triệu người vào năm 2022. Tổng cộng có 2,7 triệu người đã đến Đức vào năm ngoái, trong đó có 1,1 triệu người chỉ riêng từ Ukraine. Cơ quan này cho biết, Đức có tổng cộng 13,4 triệu người nước ngoài và gần 24 triệu người trong tổng số 83,2 triệu dân có nguồn gốc nhập cư. Dòng người tị nạn, chủ yếu là từ Ukraine, đã làm tăng dân số Đức thêm 1,3% vào năm ngoái.
Một cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 5 năm nay cho thấy phần lớn người Đức muốn có chính sách nhập cư và thủ tục tị nạn chặt chẽ hơn. Khoảng một nửa công dân Đức cũng muốn đất nước của họ tiếp nhận ít người tị nạn hơn mức hiện nay. Cuộc khảo sát cho thấy 54% người Đức tin rằng những bất lợi của việc nhập cư lớn hơn lợi ích của nó và chỉ 33% tin điều ngược lại là đúng.