Thủ tướng Israel tuyên bố rút khỏi hành lang Philadelphi là một 'ranh giới đỏ'

Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh hành lang này là “oxy” cho Hamas, và việc kiểm soát nó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế và sự phản đối từ chính nội bộ Israel.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ 4, phải) phát biểu tại cuộc họp nội các ở Jerusalem. Ảnh: IRNA/TTXVN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/9 khẳng định rằng việc rút khỏi hành lang Salah Al Din, tuyến biên giới quan trọng giữa Gaza và Ai Cập, là một "ranh giới đỏ" mà Israel không thể vượt qua. Quyết định này đánh dấu một động thái gây tranh cãi, khi nó đi ngược lại với những nỗ lực quốc tế trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và giải thoát các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.

Theo Thủ tướng Netanyahu, hành lang Salah Al Din, còn được gọi là hành lang Philadelphi, là con đường vận chuyển chính của Hamas để nhận vũ khí và vật liệu xây dựng. Ông Netanyahu khẳng định rằng việc kiểm soát khu vực này mang lại cho Israel "tính hợp pháp" sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái.

Ông Netanyahu nhấn mạnh: “Sẽ không có thỏa thuận nào mà chúng tôi rút khỏi khu vực biên giới này với Ai Cập, một khu vực vô cùng quan trọng đối với sức mạnh quân sự của Hamas", lưu ý rằng việc duy trì kiểm soát hành lang này là thiết yếu để ngăn chặn Hamas củng cố sức mạnh và tiếp tục các hoạt động thù địch chống Israel.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Netanyahu mâu thuẫn trực tiếp với các quan chức Mỹ, những người đã kêu gọi Israel rút quân khỏi khu vực này như một phần của thỏa thuận ngừng bắn. Washington nhấn mạnh rằng thỏa thuận phải bao gồm việc rút hoàn toàn quân đội Israel khỏi hành lang Salah Al Din, nhằm giảm bớt căng thẳng và tạo điều kiện cho việc thả con tin. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby, cho biết: “Đó là đề xuất mà Israel đã đồng ý và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để thực hiện điều đó".

Bất chấp áp lực quốc tế, ông Netanyahu vẫn kiên quyết từ chối rút quân, khẳng định rằng sự hiện diện của Israel tại hành lang này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Ông mô tả hành lang này là “oxy” cho Hamas.

Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu cũng gây ra sự phản đối mạnh mẽ trong nước. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn quốc, với nhiều người Israel kêu gọi ông Netanyahu chấp nhận một thỏa thuận để đảm bảo thả các con tin còn lại ở Gaza. Bất chấp sự phẫn nộ của công chúng và áp lực từ các đảng phái, Thủ tướng Netanyahu vẫn giữ vững lập trường cứng rắn, cho rằng việc rút khỏi hành lang Salah Al Din sẽ làm suy yếu vị thế của Israel trong xung đột với Hamas.

Một số quan chức trong Chính phủ Israel đã bày tỏ lo ngại về lập trường của Thủ tướng Netanyahu, cho rằng ông đang cản trở những nỗ lực đạt được hòa bình vì lợi ích chính trị của cá nhân. 

Quyết định của Israel cũng đã làm dấy lên phẫn nộ từ Hamas và các quốc gia láng giềng, bao gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Qatar. Ai Cập, một trong những bên trung gian chính giữa Israel và Hamas, đã cảnh báo rằng họ sẽ không chấp nhận sự hiện diện thường trực của Israel tại hành lang này và lên án mạnh mẽ các tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu.

Ngoại trưởng Ai Cập nhấn mạnh rằng việc Israel tiếp tục kiểm soát khu vực này vi phạm thỏa thuận hòa bình và gây nguy hiểm cho an ninh khu vực. Trong khi đó, các quốc gia khác đã kêu gọi Israel thực hiện các bước đi cần thiết để giảm bớt căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo thenationalnews.com)
Quan điểm của Ai Cập về hiện diện của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi
Quan điểm của Ai Cập về hiện diện của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi

Quyết định của Israel cho phép quân đội tiếp tục hiện diện tại Hành lang Philadelphi đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Ai Cập, cho thấy sự thất vọng của Cairo trước những nỗ lực hòa giải không thành công và tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với an ninh quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN