Quan điểm của Ai Cập về hiện diện của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi

Quyết định của Israel cho phép quân đội tiếp tục hiện diện tại Hành lang Philadelphi đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Ai Cập, cho thấy sự thất vọng của Cairo trước những nỗ lực hòa giải không thành công và tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với an ninh quốc gia.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tiến sĩ Ofir Winter, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), ngày 5/9 cho rằng quyết định của Israel cho phép Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục hiện diện tại Hành lang Philadelphi đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Ai Cập.

Chính phủ Ai Cập chỉ trích gay gắt động thái này, cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gây trở ngại cho các nỗ lực ngừng bắn và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này phản ánh sự thất vọng của Ai Cập với vai trò trung gian hòa giải không thành công và sự quan trọng của Hành lang Philadelphi đối với an ninh quốc gia.

Hành lang Philadelphi, chạy dọc biên giới giữa Sinai và Gaza, đã trở thành một công cụ quan trọng trong chiến lược ổn định an ninh của Ai Cập trong thập kỷ qua. Việc mở rộng cửa khẩu Rafah, nằm trên hành lang này, cho phép vận chuyển hàng hóa, con người, viện trợ nhân đạo và vật liệu xây dựng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi để các trang thiết bị quân sự được đưa vào Gaza, tăng cường sức mạnh cho các nhóm vũ trang ở đây. Cairo coi Hành lang Philadelphi không chỉ là một tuyến đường biên giới mà còn là đòn bẩy kinh tế và chính trị quan trọng để duy trì kiểm soát và gây sức ép lên Hamas.

Do đó, Ai Cập phản đối sự hiện diện của Israel vì lo ngại rằng tình trạng này có thể trở thành lâu dài, làm suy yếu vai trò của Ai Cập và vi phạm các thỏa thuận rút quân đã được quy định trong thỏa thuận hòa bình giữa hai nước. Hơn nữa, Cairo muốn Chính quyền Palestine quay trở lại kiểm soát cửa khẩu Rafah để duy trì tính hợp pháp và an ninh khu vực. Ai Cập cũng lo ngại về nguy cơ xung đột vũ trang giữa IDF và lực lượng an ninh Ai Cập, cũng như áp lực dư luận trong nước khi bị coi là đồng lõa trong việc thay đổi biên giới Gaza.

Theo Tiến sĩ Winter, để giải quyết khủng hoảng và thiết lập ổn định tại Gaza, Ai Cập và Israel cần vượt qua những toan tính chính trị và dân túy. Họ cần khai thác các cuộc đối thoại an ninh đã duy trì nhiều năm qua, khôi phục lòng tin và thúc đẩy lợi ích chiến lược chung nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững cho khu vực.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo INSS)
Ai Cập lo ngại khả năng Israel tiến hành chiến dịch theo kiểu Gaza ở Bờ Tây
Ai Cập lo ngại khả năng Israel tiến hành chiến dịch theo kiểu Gaza ở Bờ Tây

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngày 1/9, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về khả năng Israel tiến hành chiến dịch theo kiểu Gaza ở Bờ Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN