Theo tờ Politico, phe đối lập trung hữu của Đức đang muốn gây sức ép lên Thủ tướng Olaf Scholz bằng cách khởi động một cuộc điều tra của Quốc hội xung quanh nghi vấn vai trò của ông tới vụ bê bối trốn thuế lớn.
Vụ án - bắt nguồn từ hơn 5 năm trước khi ông Scholz vẫn còn là thị trưởng thành phố Hamburg - có liên quan đến cái gọi là vụ “Cum Ex” có quy mô lớn hơn, khi nhà nước bị lừa hơn 30 tỷ euro vì một số ngân hàng, công ty hoặc cá nhân yêu cầu chính quyền hoàn thuế cho những chi phí bị cho là không hề tồn tại.
Vụ bê bối trên đã bao trùm chiến dịch tranh cử của vị chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội vào năm 2021 nhưng cuối cùng nó gây ít tác động vì khi đó khả năng ông Scholz có liên quan vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, lúc này vụ việc đang nóng trở lại sau khi những chi tiết mới xuất hiện.
Nghị viện bang Hamburg đã có kế hoạch triệu tập ông Scholz trong mùa xuân này tới một ủy ban điều tra về vụ bê bối. Và giờ đây, khối CDU/CSU trung hữu còn muốn thiết lập một cuộc điều tra ở cấp quốc gia tại Bundestag (Quốc hội Đức)
“Chúng tôi sẽ yêu cầu một ủy ban điều tra của Quốc hội về vụ thuế Scholz-Warburg ở Bundestag trong tuần Quốc hội họp đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh", ông Mathias Middelberg, Phó chủ tịch nhóm nghị sĩ của CDU, cho biết ngày 4/4.
Đáp lại, người phát ngôn của Chính phủ Đức nói rằng “về nguyên tắc”, Berlin không bình luận về các quyết định được công bố bởi các thành viên Bundestag “không tôn trọng cơ quan hiến pháp”.
Nhóm CDU/CSU hiện có đủ số phiếu trong Quốc hội để có thể thành lập ủy ban điều tra. Đảng Cánh tả của Đức cũng cho biết họ sẽ ủng hộ yêu cầu này.
Các ủy ban điều tra của Quốc hội có thể triệu tập các nhân chứng và chuyên gia cũng như yêu cầu tiếp cận các tài liệu. Mặc dù những phát hiện của họ sẽ được tóm tắt trong một báo cáo không ràng buộc trách nhiệm, nhưng những hậu quả chính trị của nó với ông Scholz, trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp tới, có thể rất đáng kể.
Trong một bức thư gửi nhóm nghị sĩ CDU/CSU mà Politico xem được, Chủ tịch hai đảng này là Friedrich Merz và Alexander Dobrindt nói rằng vụ việc nên được điều tra do tầm quan trọng “đáng kể” của nó đối với nền chính trị quốc gia Đức.
Ông Scholz đã trở thành mục tiêu của các đảng đối lập vì có mối liên hệ với một ngân hàng tại Hamburg liên quan đến âm mưu trốn thuế. Cụ thể, trong thời gian làm thị trưởng, ông đã gặp riêng ba lần với một trong những chủ sở hữu của ngân hàng MM.Warburg & Co., lúc đó đã bị cơ quan thuế Hamburg điều tra. Các quan chức bang khi đó đang tìm cách đòi lại từ MM.Warburg & Co. số tiền 47 triệu euro mà họ tin là tiền thu bất chính liên quan đến vụ lừa đảo.
Tuy nhiên, cuối cùng, cơ quan quản lý tài chính bang Hamburg đã để thời hiệu đối với yêu cầu thanh toán số tiền hết hạn. Và nhiều năm sau, sau khi chi tiết về các cuộc gặp của ông Scholz với chủ ngân hàng xuất hiện, các nhà phê bình bắt đầu đặt câu hỏi liệu thành viên hàng đầu Đảng Dân chủ Xã hội này có thể đã can thiệp có lợi cho ngân hàng hay không.
Mặc dù Thủ tướng Scholz liên tục phủ nhận việc can thiệp, nhưng ông cũng không đưa ra câu trả lời nào về nội dung đã được thảo luận trong các cuộc gặp riêng với chủ ngân hàng bị điều tra. Thay vào đó, ông Scholz nhiều lần tuyên bố trong suốt hai năm rưỡi qua rằng ông không thể nhớ nội dung của các cuộc trao đổi.
Lời tuyên bố đó hiện đang bị đặt dấu hỏi khi xuất hiện các chi tiết trong phiên điều trần kín của ủy ban Bundestag với ông Scholz vào tháng 7/2020, trong đó ông dường như dễ dàng nhớ được chi tiết về các cuộc gặp của mình với chủ ngân hàng. Những người chỉ trích cho rằng ông Scholz chỉ bắt đầu tuyên bố không nhớ gì về các cuộc gặp này khi nguy cơ bùng nổ chính trị trở nên rõ ràng.
Thủ tướng Scholz và các đồng minh của ông đã nhiều lần lên tiếng phản bác, cho rằng những lời chỉ trích như vậy là có động cơ chính trị và nhấn mạnh rằng các cuộc điều tra trước đây không tìm thấy hành vi sai trái nào. Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng cuối cùng, ngân hàng đã hoàn trả 47 triệu euro, dù chỉ sau khi có lệnh của tòa án. Văn phòng Công tố viên Hamburg cho biết vào tháng 3 rằng họ không thấy bất kỳ nghi ngờ ban đầu nào đối với thủ tướng trong vụ việc.
Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản phe đối lập lên kế hoạch đào sâu hơn. “Thủ tướng muốn thấy một ranh giới được vạch ra ngăn làm rõ vấn đề thuế này. Nhưng nhiệm vụ của Quốc hội là kiểm soát chính phủ, xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là với rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời", nhà lập pháp đảng CDU Matthias Hauer cho biết.