Thủ tướng Đức Merkel thất vọng với chính sách của Tổng thống Trump

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày càng nhận thấy bà thất vọng như thế nào với chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "nhấn chìm" mọi nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận mà bà Merkel cố gắng tìm kiếm với các nhà lãnh đạo Nhóm G-7 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật Bản, Canada) tại Canada.

Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho hay, trong đêm diễn ra Hội nghị cấp cao Nhóm G-7 tại Canada, tâm trạng nhà lãnh đạo Đức vẫn phấn chấn vì những nhượng bộ mà ông Trump đảm bảo với bà nhằm đạt được một thỏa thuận chung về thương mại nội khối. Song nhà lãnh đạo Mỹ đã thay đổi cam kết vào phút chót khiến bà Merkel sững sờ.

Chú thích ảnh
Bà Merkel nói chuyện với Tổng thống Trump tại hội nghị G-7 ở Charlevoix, Canada năm 2018.
Ảnh: Bundesregierung

Bà Markel phải đối mặt hàng loạt đòn tấn công kể từ ngày ông Trump nhậm chức: xe hơi hạng sang của Đức, chi tiêu quốc phòng, vấn đề hạt nhân Iran, khí đốt của Nga và hợp tác kinh doanh với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc...

Tuy nhiên có lẽ sự kiện Tổng thống Trump ngăn cản Hội nghị cấp cao Nhóm G-7 ra Tuyên bố chung, một truyền thống của khối này, đã khiến nhà lãnh đạo Đức nhận ra rằng ông Trump không phải đối tác mà Berlin có thể trông cậy. Gần 12 tháng trôi qua, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Giới chức Đức nhiều người đang tự hỏi liệu mối quan hệ đồng minh chiến lược này đã xuống cấp tới mức không thể cứu vãn. 

Thậm chí, nếu ông Trump thất bại trong kỳ tranh cử năm 2020, họ cho rằng niềm tin giúp củng cố quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong bảy thập kỷ qua có thể cũng không sáng sủa hơn. Trên thực tế, Đức đã bắt đầu xây dựng các liên minh mới nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Và một số trong số đó khiến Mỹ không hài lòng. “Chúng ta phải nắm lấy vận mệnh bằng chính đôi tay của mình nhiều hơn trong tương lai nếu chúng ta muốn trở nên mạnh mẽ”, bà Merkel phát biểu tại Munich hồi tuần trước. 

Chỉ trích của ông Trump

Trong chuyến đi Mỹ cuối tuần trước, nữ chính trị gia 64 tuổi đã đến thăm và có bài phát biểu trước sinh viên Đại học Harvard hôm 30/5. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel không đến thăm Nhà Trắng và gặp người đồng cấp Donald Trump như như các chuyến thăm trước đây. Giới chức Mỹ khẳng định ông chủ Nhà Trắng tôn trọng bà nhưng họ cũng bóng gió về tình trạng có sự hiểu lầm giữa lãnh đạo hai nước.

Một nhân vật cấp cao trong Chính phủ Mỹ tiết lộ ông Trump đã phàn nàn với bà Merkel xoay quanh vấn đề thặng dư thương mại của Đức. Song Chính quyền Tổng thống Trump đã thiếu kiên nhẫn với sự thật rằng Berlin, cũng giống như tất cả thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, đã chuyển trách nhiệm đàm phán thương mại cho EU mà Đức là một nước thành viên. Ông Trump lập luận Đức có thể tận dụng ưu thế của mình là nền kinh tế lớn nhất châu Âu để gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán.

Chú thích ảnh
Hai nhà lãnh đạo tổ chức họp báo chung tại Nhà Trắng năm 2018. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ đã kêu gọi Thủ tướng Đức đích thân tham gia các cuộc đàm phán thương mại. Trong cuộc phỏng vấn với kênh CNN phát sóng ngày 28/5, bà Angela Merkel nói: “Ngài Tổng thống có lập trường của mình và tôi có chính kiến của tôi. Thi thoảng, chúng tôi cũng tìm được tiếng nói chung. Nếu không, sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi và đàm phán”.

Quan hệ cá nhân của Thủ tướng Đức Merkel với tổng thống Mỹ hiện nay khác xa so với cựu Tổng thống Barack Obama hay George W. Bush. Bà Merkel đã ôm thân mật Tổng thống Obama lúc ông đến Berlin. Năm 2007, bà cũng rất vui khi đến thăm trang trại của ông Bush.

Trong khi đó, Tổng thống Trump từng nói rằng tỷ lệ phạm tội ở Đức gia tăng do chính sách nhập cư của bà Merkel. Một tháng sau đó, ông gọi bà là “tù nhân của Nga” vì lên kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới với Nga. Tháng 12/2018, giới chức Washington đe dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Berlin nếu Đức cho phép Huawei cung cấp thiết bị xây dựng mạng lưới dữ liệu 5G. 

Lo sợ của bà Merkel

Tất cả những thay đổi trong quan hệ nói trên đang khiến Đức quan ngại, vì cấu trúc quan hệ vốn được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới 2 này giúp Đức có không gian phát triển và ổn định. Khi vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đẩy mạnh các cuộc công kích, Thủ tướng Merkel cảnh báo một tương lai ảm đạm cho quan hệ đồng minh là điều đáng lo ngại.

Thực tế hiện nay cho thấy cách các nhà hoạch định chính sách Đức nhìn nhận về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ngay khi họ còn loay hoay trong các lĩnh vực có thể hợp tác, những vấn đề nan giải nhất đang trở nên khó khăn hơn nữa.

Chính sách “gây áp lực tối đa” của Chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề hạt nhân Iran đã khiến các quan chức Đức phải vất vả để gìn giữ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau khi Mỹ rút khỏi. Giới chức Đức đã bị hoang mang vì thứ mà họ đánh giá là một chỉ thị thiếu tính chiến lược. 

Cùng với việc các doanh nghiệp Đức tức giận khi buộc phải nhượng bộ trước những mối đe dọa từ Nhà Trắng, một quan chức cao cấp cho biết Iran có thể là vấn đề gây rạn nứt lớn hơn nữa giữa Washington và Berlin. 

Quan hệ mới với Nga

Chú thích ảnh
Đường ống khí đốt Nord Stream 2 dài 1.220km chạy dưới biển nối Nga với Đức. Ảnh: Bloomberg 

Khi Tổng thống Trump gây sức ép, Đức đã tìm kiếm các mối quan hệ hữu ích hơn với Trung Quốc và Nga. Ví dụ rõ ràng nhất chính là dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) có công suất bơm 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga qua Biển Baltic đến Đức. Tháng 2 vừa qua, nội các của bà Angela Merkel đã bị sửng sốt bởi những động thái ngoại giao của Mỹ nhằm phá vỡ dự án và hiện tại, Mỹ đang dọa trừng phạt những công ty tham gia. 

“Cách Chính phủ Mỹ lập chính sách nói chung tại thời điểm hiện tại, với vô số trừng phạt, không phải là cách tốt để hợp tác”, bà Annegret Kramp-Karrenbauer, người thay bà Merkel làm lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo năm 2018 từng trả lời Bloomberg hồi đầu năm nay. 

Vì vậy, bà Merkel đang bước dần đến một thế giới mà ở đó Đức không còn phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, bà nêu ý tưởng về một quân đội châu Âu. Bà cũng cáo buộc ông Trump gian dối trong vụ Huawei và từ chối cấm công ty này triển khai dự án tại Đức. Đường ống khí đốt dài 1.220km chảy từ Nga tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, đây có phải là cấu trúc quan hệ mà Thủ tướng Merkel mong muốn có với Mỹ, một đồng minh lâu năm và rất quan trọng của Berlin?

 

Xuân Chi/Báo Tin tức
Quan hệ Đức - Mỹ: Khoảng cách khó san bằng
Quan hệ Đức - Mỹ: Khoảng cách khó san bằng

Sau một lần trì hoãn, cuối cùng thì ông Mike Pompeo cũng đã đặt chân đến Berlin trong chuyến thăm Đức đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào ngày cuối cùng của tháng 5. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ đã hội đàm với người đồng cấp Đức Heiko Maas, cũng như có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Angela Merkel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN