Hiệp định này có tên là CUSMA tại Canada, trong khi truyền thông Mexico gọi là “T-MEC”.
Thủ tướng Trudeau cũng nhấn mạnh đến các nỗ lực của Canada chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng leo thang và trình trạng suy yếu của các định chế toàn cầu vốn hoạt động dựa trên luật định. Trong trường hợp NAFTA 2.0 được Quốc hội Canada thông qua, các bên tham gia sẽ có 3 tháng để thảo luận về các quy định quản lý hiệp định trước khi đưa NAFTA 2.0 vào thực thi, có thể là trong mùa Hè này.
Chính phủ Canada đã khởi động tiến trình phê chuẩn NAFTA 2.0 vào cuối tháng 1 vừa qua. Vì để mất thế đa số tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2019, nên chính phủ đảng Tự do cần sự ủng hộ của ít nhất một chính đảng đối lập để thông qua NAFTA 2.0- vốn được đánh giá là một thỏa thuận “cùng thắng” của Mỹ, Mexico và Canada. Hiệp định này bao trùm một thị trường 500 triệu dân, với giá trị trao đổi thương mại giữa ba nước thành viên đạt hơn 1.100 tỷ USD trong năm 2018.
Hiện đảng Dân chủ mới đang đề nghị rà soát lại một cách kỹ lưỡng NAFTA 2.0, trong khi hiệp định này bị đảng Bloc Quebecois (Khối Quebec) thẳng thừng phản đối. Đảng Bảo thủ đối lập được dự báo sẽ miễn cưỡng ủng hộ hiệp định này vì những lợi ích mà NAFTA 2.0 đem lại cho nền kinh tế Canada.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “xé bỏ” NAFTA hồi năm 2016, ba nước thành viên – Mỹ, Canada và Mexico – đã khởi động đàm phán lại hiệp định vào tháng 8/2017. Hơn một năm sau đó, “bộ ba” này đã đạt được thỏa thuận mới vào tháng 9/2018. Mexico và Mỹ đã thông qua NAFTA phiên bản mới, và chỉ còn chờ Quốc hội Canada bỏ phiếu đối với hiệp định này - đây sẽ là bước cuối cùng để đưa hiệp định vào thực thi.