Trong bài phát biểu ngày 16/11 trên đài phát thanh LBC, Thủ tướng Anh nêu rõ không chỉ Anh mà cả EU đã lùi bước trong quá trình đàm phán, đơn cử như trong các vấn đề Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ) và biên giới giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và CH Ireland thuộc EU. Theo kế hoạch, các bên sẽ hoàn tất thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức vào ngày 25/11 tới và văn bản này sau đó sẽ được chuyển tới Quốc hội Anh để bỏ phiếu thông qua. Sau khi Anh và EU đạt được thỏa thuận cuối cùng, bà hy vọng giới lập pháp trong nước sẽ cân nhắc tới nghĩa vụ cần phải tôn trọng lựa chọn của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Trước những ý kiến phản đối và chỉ trích thỏa thuận sơ bộ, bà May nhấn mạnh thỏa thuận trên bảo đảm tính toàn vẹn của Anh. Đối với lo ngại về việc Anh "mắc kẹt" trong liên minh thuế quan EU hậu Brexit liên quan tới điều khoản cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại trong thỏa thuận sơ bộ, bà May tái khẳng định nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3 năm tới. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng cho biết đảng Liên minh dân chủ (DUP) ) ở vùng Bắc Ireland đã bày tỏ những quan ngại và nghi vấn trong nội bộ đảng này với Chính phủ Anh và hai bên đang tiếp tục làm việc với nhau. Bà bác bỏ thông tin về việc có mâu thuẫn với lãnh đạo DUP Arlene Foster.
Trước đó, báo Daily Telegraph dẫn một nguồn tin thân cận với bà Foster cho biết đảng này sẽ không bỏ phiếu ủng hộ dự thảo thỏa thuận Brexit nếu đảng Bảo thủ vẫn do bà May lãnh đạo. Để thỏa thuận Brexit được Quốc hội chấp thuận, bà May sẽ cần sự ủng hộ của khoảng 320 nghị sĩ trong tổng số 650 ghế Quốc hội. Tuy nhiên, phản ứng sau thỏa thuận sơ bộ, một số nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền cho biết đã đệ đơn yêu cầu tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với bà May tại Quốc hội.
Trong diễn biến mới nhất, một số nguồn tin truyền thông Anh cho biết Quốc hội đã nhận được đủ 48 kiến nghị và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng May sẽ sớm diễn ra.
Bản dự thảo thỏa thuận Brexit mới đạt được dài 585 trang, tưởng chừng đã mở lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và EU, nay lại tạo ra một đợt sóng mới trên chính trường Anh. Những điều khoản chính nhằm tránh thiết lập một đường biên giới cứng giữa CH Ireland và vùng Bắc Ireland, bảo vệ quyền công dân và thống nhất "chi phí chia tay" mà Anh sẽ phải thanh toán cho EU. Dự thảo thỏa thuận đã được Nội các Anh thông qua, nhưng ngay sau đó sóng gió đã nổi lên khi lần lượt 4 quan chức cấp cao trong nội các gồm Bộ trưởng Brexit Dominic Raab cùng Thứ trưởng Suella Braverman, Quốc vụ khanh Bộ phụ trách vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey đều từ chức để bày tỏ phản đối. Tiếp nối là quyết định từ chức của Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti.