Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Có những vấn đề rất nghiêm trọng mà xã hội chúng ta sẽ phải làm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, rằng chúng ta cần phải giải quyết, cần nỗ lực hơn nữa để sửa sai và chúng ta cần hiểu rõ tính nghiêm trọng của vấn đề".
Nhà lãnh đạo Anh đưa ra tuyên bố trên sau khi Ủy ban về chủng tộc và chênh lệch sắc tộc ở Anh ngày 31/3 công bố báo cáo cho biết các yếu tố như địa lý, gia đình và kinh tế-xã hội đóng vai trò quan trọng đối với cơ hội sống của người dân hơn là so với chủng tộc. Báo cáo cũng đưa ra kết luận rằng không còn tình trạng phân biệt chủng tộc tại các cơ quan và tổ chức tại Anh.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc đã chỉ trích kết luận của báo cáo, cho rằng báo cáo đã "che dấu sự thật".
Cùng ngày, truyền thông Anh đưa tin cố vấn cấp cao về sắc tộc thiểu số của Thủ tướng Johnson, Samuel Kasumu đã từ chức mặc dù Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết sự ra đi của quan chức này không liên quan tới báo cáo trên.
Chính phủ Anh đã thành lập Ủy ban về chủng tộc và chênh lệch sắc tộc sau khi xảy ra các cuộc biểu tình ở nước này nhằm hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter” (Quyền sống cho người da mầu) lan rộng khắp thế giới sau vụ cảnh sát lạm dụng bạo lực gây ra cái chết của người đàn ông gốc Phi George ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) ngày 25/5/2020. Tại Anh, cuộc biểu tình tại London phần lớn diễn ra ôn hòa, nhưng có một số ít người biểu tình tại khu vực gần nơi ở của Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phố Downing đã ném chai lọ vào cảnh sát, buộc lực lượng này có hành động tự vệ và giải tán những người biểu tình này.